Tại An Giang có khu phiên chợ đặc biệt chỉ bán duy nhất một mặt hàng là cỏ. Cỏ đắt như tôm tươi và người mua cỏ phải xếp hàng. Mỗi ngày, người làm nghề cắt cỏ có thể kiếm được vài ba trăm ngàn đồng.
Cảnh bán mua cỏ dại mà đắt hàng như tôm tươi ở khu chợ độc nhất vô nhị
Người mua xếp hàng, phân phối theo định mức
Nằm ngay ngã ba bờ kênh Ninh Phước thuộc ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chợ cỏ Ô Lâm được xem là phiên chợ kỳ lạ nhất miền Tây vì chỉ kinh doanh duy nhất một mặt hàng luôn "đắt như tôm tươi".
Nói về sự ra đời của khu chợ đặc biệt này, những bậc cao niên tại ấp Phước Lộc cho biết, trước đây, ở vùng giáp biên giới Tây Nam, người dân chỉ trồng 2 vụ lúa, xen vào đó vụ hoa màu hoặc có khi bỏ đất trống. Chính vì thế mà những cánh đồng cỏ bát ngát mọc lên nhiều.
Để tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, người dân nơi đây đã chăn nuôi thêm trâu, bò tăng thu nhập.
Nhu cầu tiêu thụ cỏ cao nhưng có một số thời điểm như mùa mưa, mùa nước nổi bà con không thể thả trâu, bò ra đồng ăn cỏ nên nhiều người đã nghĩ đến việc đi cắt cỏ về bán lại cho những hộ chăn nuôi gia súc trong vùng.
Thấy nghề này kiếm tiền được nên người này rủ người kia làm. Lâu dần hình thành nên chợ cỏ Ô Lâm đến tận ngày này. Chợ cỏ đặc biệt này đã có hơn 20 năm hoạt động.
Món hàng 20 năm giá không thay đổi
Ông Chau Rem - một "tiểu thương" với thâm niên 20 năm buôn bán cỏ ở chợ cho biết, chợ cỏ Ô Lâm hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là vào lúc các tháng mùa mưa và nước nổi. Khi ấy cỏ mọc nhiều, người mua kẻ bán vô cùng tấp nập.
"5h sáng tôi chạy ghe hơn 10km ra đồng cắt cỏ đến khoảng 11h về tới chợ. Cỏ được tôi cột thành từng bó, đồng giá 10.000 đồng/3 bó. Giá này bán mấy chục năm nay rồi không có thay đổi", ông Rem vừa chất đống cỏ lên bờ vừa nói.
Cạnh ghe của ông Rem, một "thương buôn" cỏ khác là ông Chau Ya vừa cột ghe vào bờ vừa nói: "Bữa nay cắt được 80 bó, ai tới trước thì lấy trước".
Theo ông Ya, lúc trước cỏ ở đây mọc nhiều, đi cắt rất dễ. Dạo một vòng thể cắt được hàng trăm bó cỏ nhưng tầm 7 - 8 năm nay, cỏ tươi ngày càng ít hơn, ông phải vượt hàng chục cây số, có khi sang đồng hoang ở tận Hòn Đất, Kiên Lương (Kiên Giang) "săn lùng".
Mỗi ngày ông Ya chỉ đi cắt cỏ vào buổi sáng. Tuy nhiên nếu bà con cần nhiều hơn ông có thể tranh thủ cả buổi chiều đi cắt cỏ rồi giao cho khách. Trung bình nếu bán hết 70 - 80 bó cỏ, ông Ya đút túi khoảng 200.000 đồng/ngày.
Do cỏ ngày càng ít, người chăn nuôi trâu, bò cũng ngầm hiểu nên khi mua phải nhìn nhau để tránh việc tranh giành.
Đứng từ 9h sáng đợi người dân cắt cỏ về, chị Néang Sray Pau cho biết, bà con ở đây chủ yếu nuôi bò đực (bò thịt) để kiếm thêm thu nhập, mỗi hộ chỉ nuôi khoảng 2 - 5 con. "Bò thịt chỉ ăn cỏ thôi, không chịu ăn rơm. Nhà tôi nuôi một cặp bò, tiền mua cỏ cho chúng ăn mỗi ngày tốn khoảng 70 nghìn đồng", chị Pau kể.
Loay hoay nhét cỏ vào giỏ xách, ông Chau Dơn vui vẻ nói: "Có chợ cỏ này tiện lợi lắm, ai không có thời gian đi cắt cỏ có thể lại đây mua. Bán thịt, bán cá còn mời rao chứ bán cỏ này không mời người ta cũng xếp hàng dài đợi đến lượt mua. Ghe nào đậu vào bờ là bán hết liền".
Ở vùng đất Ô Lâm này, cỏ đã giúp người dân có thêm thu nhập. Tuy nhiên cỏ ngày càng ít đi nên chợ cỏ chỉ còn khoảng chục người bám trụ.
(Theo Dân Trí)