Theo thống kê của Bộ Lao động thương binh và xã hội, trong tháng 3 này đã có ít nhất 15% doanh nghiệp đã cắt giảm quy mô sản xuất hoặc ngừng hoạt động. Đi kèm với đó là hơn 47.000 người nộp đơn hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Số doanh nghiệp và lao động khác may mắn hơn khi chịu cảnh sản xuất mà không có đầu ra dẫn đến một ngày làm xen kẽ một ngày nghỉ.
Hàng không là ngành ảnh hưởng ngay lập tức khi có dịch. Hãng hàng không Vietnam Airlines phải dừng toàn bộ chuyến bay quốc tế đến ngày 30/4. Các chuyến bay nội địa cũng giảm đáng kể tần suất khai thác do nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh. Vì thế doanh nghiệp ngành này đã buộc phải cho nhân viên nghỉ luân phiên, giảm lương, giảm giờ làm thậm chí tạm nghỉ không lương.
''Có khoảng 1.000 tiếp viên đăng ký nghỉ không lương từ tháng 3 và có khoảng 1.500 tiếp viên tình nguyện đăng ký nghỉ luân phiên'', chị Nguyễn Thị Bích Ngà- Tiếp viên hàng không Vietnam Airlines trả lời phỏng vấn VTV.
Chia sẻ trên Vnexpress, ông Phan Ngọc Linh, Trưởng đoàn tiếp viên Vietnam Airlines cho biết hãng có nhiều phương án cho đoàn tiếp viên, gồm: tạm hoãn hợp đồng làm việc 1-3 tháng không nhận lương để chăm lo cho gia đình, tái tạo sức lao động, đi làm một tuần nghỉ 2 tuần... Đến nay, số tiếp viên xin hoãn hợp đồng trong tháng 3, 4, 5, chiếm gần 50% tổng đoàn tiếp viên.
Ngoài số tạm nghỉ, nhiều tiếp viên làm toàn thời gian nhưng tình nguyện không nhận lương chức danh (mức lương này chiếm 1/4 thu nhập, khoảng 7-8 triệu đồng một tháng).
Cũng như tiếp viên, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đang áp dụng chính sách giảm lương. Lãnh đạo cấp cao trong hội đồng quản trị, lãnh đạo tổng công ty sẽ giảm lương 40%, cấp trung giảm hơn 30%, cấp dưới giảm 20%. Riêng nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.
Còn theo đại diện hãng hàng không Vietjet, việc cắt giảm chuyến bay cũng khiến doanh nghiệp tính toán giảm thu nhập theo chức vụ nhằm giảm chi phí hoạt động trong giai đoạn khó khăn.
''Ban lãnh đạo cấp cao của chúng tôi cắt hẳn 25% và đối với quản lý bậc trung sẽ cắt giảm 20% lương, còn lại tất cả nhân viên sẽ bố trí cho nghỉ luân phiên và cũng cắt giảm theo tỷ lệ dưới 10%'', bà Hồ Ngọc Yến Phương- Phó tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet cho biết.
Những thay đổi về nhân sự ngành hàng không Việt Nam càng cho thấy rõ tác động không nhỏ của dịch Covid-19. Nhìn lại trong lịch sử, đây vốn là công việc mơ ước của nhiều người khi mỗi mùa tuyển dụng, hãng hàng không Vietnam Airlines lại nhận được hàng ngàn hồ sơ của các thí sinh.
Được đi du lịch miễn phí, công việc nhẹ nhàng lương cao là những gì mọi người truyền tai nhau về nghề tiếp viên hàng không. Một ví dụ khác để hiểu giành được một vị trí trong các hãng hàng không không hề dễ dàng như trường hợp hãng hàng không Delta chỉ đăng tuyển 1.000 tiếp viên nhưng lại có đến 100.000 thí sinh ứng tuyển. Con số này được cho là cao hơn cả tỷ lệ chọi vào trường Đại học Harvard.
Mặc dù số lượng thí sinh ứng tuyển cao, các hãng hàng không vẫn khó tìm được ứng viên phù hợp. Để trở thành tiếp viên hàng không, bạn cần có ngoại hình ổn, giỏi ngoại ngữ, sức khỏe tốt, phong thái phù hợp với nghề và một số kỹ năng quan trọng khác như giải quyết tình huống, sơ – cấp cứu.
Mức lương của các tiếp viên hàng không cũng được tính theo USD khi năm 2018, để chuẩn bị cho hành trình cất cánh đầu tiên vào tháng 10 hãng Bamboo Airways đưa ra mức lương khủng được tiết lộ lên tới 2000 USD. Hoặc như hãng Vietjet Air ngoài lương, thu nhập còn trợ cấp cho tiếp viên hàng không của họ khi những tiếp viên này sẽ sống và làm việc xa gia đình và số tiền này vào khoảng xấp xỉ 9 triệu đồng.
Tuy nhiên trong bối cảnh Covid-19, nghề tiếp viên hàng không cũng có rủi ro cao hơn các ngành khác. Mới đây tại quận Long Biên (Hà Nội) có trường hợp rất đáng chú ý là tiếp viên hàng không L.T.Q của Vietnam Airlines, sau 8 ngày được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 đã có triệu chứng bệnh và được xét nghiệm lại là dương tính.