Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, "lực lượng" phi công toàn cầu đã chuyển từ trạng thái thiếu hụt nhân lực trầm trọng sang dư thừa quá mức. Hơn 60% nhân lực phi công toàn cầu buộc phải nghỉ không lương hoặc giảm thu nhập, bị sa thải do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Arrif Junid (Malaysia) đã gắn bó với công việc vận hành "chim trời" hơn 32 năm. Giờ đây, anh buộc phải chọn cách nghỉ không lương thay vì bị sa thải.
"Đây là biến cố lớn nhất trong cuộc đời tôi, phải tạm gác ‘vô thời hạn’ một nghề gắn bó hàng chục năm và tìm kiếm công việc khác để kiếm sống. Hiện nay, tôi vẫn đang học làm thợ mộc để tìm kiếm thu nhập từ đó," - phi công 57 tuổi chia sẻ với The Straits Times.
Ở thời điểm dịch bệnh liên tục bùng phát trên nhiều quốc gia, cuộc sống của những phi công mất việc trở nên bế tắc. "Tôi cảm thấy rất áp lực với các chi phí trước mắt, đó là tiền nhà, tiền xe và các chi phí sinh hoạt khác. Trước dịch bệnh, tôi có thể chi trả mọi thứ thật dễ dàng nhưng bây giờ, để tạm duy trì cuộc sống cũng thật khó khăn," - Arrif than thở.
Cũng như các đồng nghiệp khác, cơ trưởng Dave Fielding làm việc cho hãng British Airways từ năm 1993 cũng rơi vào cảnh "ngồi chơi" trong nhiều tháng. Theo thỏa thuận trợ cấp của chính phủ Anh, một số phi công có thể trở lại làm việc bán thời gian từ tháng 7. Nhưng với tình hình dịch bệnh liên tục bùng phát ở nhiều nơi và đặc biệt là sự xuất hiện của chủng virus mới, không chỉ British Airways mà nhiều hãng hàng không khác đều chưa xác định được thời gian quay trở lại, đồng thời phải lên kế hoạch sa thải hàng chục nghìn nhân viên để đảm bảo có đủ tiền duy trì hoạt động.
Đại dịch đã khiến các sân bay thế giới trở thành nỗi sợ vô hình
Điển hình là các hãng hàng không lớn của Mỹ như Delta và United Airlines cũng phải cắt giảm khoảng 20% số phi công, trong đó dự kiến khoảng 13.000 người sẽ được cho nghỉ theo chế độ nghỉ hưu sớm. Hãng hàng không Latam (lớn nhất ở châu Mỹ Latin) phải sa thải ít nhất 2.700 phi công và tiếp viên. Hãng hàng không quốc gia Indonesia cũng sa thải đến 181 phi công. Hainan Airlines và China Southern Airlines cùng chấm dứt hợp đồng với hơn 100 phi công để giảm chi phí tối đa cho hãng.
Ngay cả tại Việt Nam, dù việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước đã giúp thị trường hàng không và du lịch nội địa trở lại, thì việc đóng các chuyến bay thương mại quốc tế khiến doanh thu các hãng bay giảm sút nghiêm trọng. Hàng trăm phi công đang sở hữu nguồn thu nhập rất tốt hàng tháng đều bị cắt giảm gần 50% lương hoặc đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Trên một số diễn đàn, không ít câu chuyện về các phi công, tiếp viên hàng không chấp nhận đi bán hàng online, chạy xe công nghệ… được kể lại, phần nào cho thấy bức tranh khá ảm đạm của cái nghề một thời được coi là giấc mơ của rất nhiều người.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA ước tính, các hãng hàng không trên toàn thế giới đã thua lỗ khoảng 500 tỷ USD và doanh thu giảm 50%.
Vốn là lĩnh vực tăng trưởng không ngừng, nhưng ngành hàng không toàn cầu giờ đây đã rơi cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Chỉ sau 6 tháng xuất hiện dịch bệnh, 51% số máy bay trên toàn thế giới đã phải nằm im bất động, chờ cơ hội để quay trở lại hoạt động bình thường.
Trước dịch Covid-19, "nghĩa địa máy bay" Teruel (Tây Ban Nha) - một cơ sở lưu trữ tạm máy bay ngừng sử dụng chỉ chứa thường xuyên 78 máy bay. Nhưng hiện số lượng máy bay tăng lên 114, tức gần trần phục vụ là 120 chiếc.
Những hãng hàng không lớn như Virgin Australia hay các hãng hàng không kỳ cựu như Comair và South African Airways (SAA) của Nam Phi, Flybe của nước Anh và 4 công ty con thuộc Norwegian Air Shuttle của Na Uy đều phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Teruel hết sức chứa – điều chưa từng xảy ra với "nghĩa địa máy bay"
Chưa kịp nhìn thấy dấu hiệu phục hồi, đầu năm 2021, nhiều quốc gia tiếp tục bùng phát dịch với chủng virus mới có tốc độ lây lan khủng khiếp. Cùng với lệnh phong tỏa trong tình trạng khẩn cấp, các chuyến bay vừa mới được cất cánh trở lại tại nhiều nước lại phải quay về lại tình trạng đóng băng.
Theo các chuyên gia, với tình trạng dịch bệnh như hiện nay, thị trường hàng không quốc tế chưa thể xác định được thời điểm phục hồi. Điều này sẽ hạn chế cơ hội làm việc trở lại của nhiều nhân viên trong ngành hàng không, đặc biệt là phi công – nhóm thu nhập cao trong ngành. Có nghĩa, những người điều khiển "chim sắt" có thể phải chấp nhận duy trì thu nhập ở mức dưới kỳ vọng trong nhiều năm để toàn ngành cân bằng trở lại, hoặc tìm một công việc khác phù hợp hơn trong tương lai.