Ông Huỳnh Tứ có gia đình và con cái đầy đủ, ai cũng đã có gia đình riêng sống trong TP.Quy Nhơn. Thấy ông cả ngày đi bộ rong ruổi khắp thành phố làm nghề cực khổ nhưng chẳng kiếm được nhiều tiền, con ông Tứ khuyên bảo cha nghỉ ngơi, nhưng ông từ chối.
Theo ông Tứ, mỗi ngày kiếm được năm ba chục ngàn, cộng với tiền Nhà nước phụ cấp cho người cao tuổi, cũng đủ để ông chủ động sắm gói trà, mua gói thuốc lá, ăn vặt hàng ngày.
Ông Huỳnh Tứ sống bằng nghề mài dao kéo dạo.
Ông Tứ kể, năm 28 tuổi ông gặp người phụ nữ quê biển xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) rồi trở thành vợ chồng, từ đó ông sống bằng nghề thợ mộc đến năm 75 tuổi, đôi tay mới chịu từ bỏ cưa đục.
Cách đây hơn 10 năm, vợ ông mất, lúc ấy đã thôi làm nghề, trong nhà lại vắng vẻ nên ông vào nghề mài dao, kéo dạo để tìm niềm vui.
Mỗi sáng, ông Tứ “cõng” chiếc ghế mài dao cùng giỏ đồ nghề trên vai, đôi chân già nua của ông bắt đầu cuốc bộ vòng quanh Quy Nhơn. Chiếc ghế dài bằng gỗ dùng để ngồi mài dao cùng giỏ nhựa đựng lỉnh kỉnh nào là giũa, đá mài, bàn kẹp thợ rèn, những chai nước… nặng đến hơn 10kg càng kéo cái lưng lòm khòm của ông xuống thấp hơn.
Nghề mài dao kéo nguy hiểm, rất dễ đứt tay nhưng thù lao không bao nhiêu.
Nhận ra ông Tứ, bà Thánh Thiệm (78 tuổi, ở TP. Quy Nhơn) vội vàng đi vào bếp gom góp những chiếc dao đã cùn, cầm ra đứng ngay cửa nhà đợi ông đến.
Ông Tứ chầm chậm đặt chiếc ghế dài xuống hè phố, bên cạnh chiếc ghế ông đặt chiếc giỏ nhựa cũ kỹ đựng đồ nghề. Chiếc kẹp thợ rèn đặt lên 1 đầu ghế, lựa chiếc dao nhỏ làm trước, dao lớn làm sau.
Ông Tứ tỉ mỉ từng công đoạn.
Ông Tứ đưa chiếc dao vào kẹp thợ rèn giũa mỏng lưỡi dao, giũa xong, ông xoay người sang đầu ghế bên kia để mài, trước khi mài, ông lôi trong chiếc giỏ nhựa ra chai nước mang theo, rót nước vào chén.
Ông liếc chiếc dao lên hòn đá mài nhám, sau đó lại mài lên hòn đá mài mịn. Thi thoảng, ông dùng mấy ngón tay vục nước trong chén tạt lên hòn đá mài để lưỡi dao nhanh sắc.
Ông làm tỉ mỉ từng động tác cho đến khi lưỡi dao sắc lẻm, sáng bóng mới dừng lại. Mài xong 3 chiếc dao cho bà Thiệm, ông tính tiền chiếc dao Thái Lan chỉ 3.000 đồng, chiếc dao lớn hơn có lưỡi to bằng 3 ngón tay người lớn ông tính 7.000 đồng, còn chiếc dao bảng lớn bằng bàn tay ông tính 15.000 đồng.
87 tuổi, ông Tứ vẫn mang đồ đạc lỉnh kỉnh dạo khắp phố phường Quy Nhơn.
“Nhà tôi cũng có đá mài, mỗi khi dao cũ tôi cũng tự mài được, nhưng dao không bén, dùng vài hôm là lụt trở lại. Dao qua tay ông Tứ, phải dùng đến mấy tháng sau dao mới bắt đầu kém sắc. Cả Quy Nhơn dường như chỉ có độc nhất mỗi ông Tứ làm nghề mài dao dạo. Ông nay đã cao tuổi quá rồi, tôi sợ sau ông không còn ai làm nghề mài dao, kéo dạo nữa ấy chứ”, bà Thiệm nói.