Một người đàn ông ở Hậu Giang nuôi rắn ri voi trong tủ kính, chăm như ‘thú cưng’ mang lại hiệu quả cao. Còn việc nuôi rệp nghe rất lạ nhưng đem lại giá trị kinh tế cho nhiều gia đình ở Thanh Hóa.
Nuôi nghìn con rắn trong nhà lầu, ở tủ kính, chăm như ‘thú cưng’
Anh Trương Thành Ngôn (50 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) được xem là người đầu tiên nuôi rắn ri voi trong tủ kính ở miền Tây. Trên tầng 3 căn nhà, anh Ngôn nuôi cả nghìn con rắn trong 100 chiếc tủ kính, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng.
“So với nuôi rắn ri voi trong bồn xi măng thì nuôi trong tủ kiếng dễ chăm sóc hơn... Ban đầu tôi nuôi rắn kiểu 'văn nghệ' cho vui, nhưng không ngờ lại thành công. Bây giờ tôi tập trung nuôi rắn ri voi để khi lớn tuổi, sức khỏe yếu thì có thể bỏ nghề sửa máy để chuyển sang nghề nuôi rắn luôn”, anh Ngôn tâm sự.
Anh Ngôn là người đầu tiên nuôi rắn ri voi trong tủ kiếng ở miền Tây (Ảnh: Hoài Thanh) |
Nuôi rệp, nghề lạ nơi biên giới
"Nuôi rệp", công việc nghe rất lạ nhưng là một trong những nghề mang lại giá trị kinh tế cho nhiều gia đình ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) trong nhiều năm qua. Ông Lương Thanh Bình (thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát) cho biết trên Báo Dân Trí, nghề nuôi rệp cánh kiến đỏ rất nhàn, dễ làm, có hiệu quả kinh tế nên nhiều hộ gia đình người Mông, Thái và Khơ Mú trên địa bàn đang triển khai.
Thường vào tháng 4 dương lịch hàng năm, người nuôi bắt đầu thả con giống, đến khoảng tháng 10 thu sản phẩm và thả giống tiếp, đến tháng 4 năm sau lại thu hoạch. Theo bà con địa phương, mỗi sào Trung bộ (500m2) nếu trồng cây đậu thiều để thả rệp cánh kiến đỏ, có thể cho thu hoạch khoảng 3 tạ nhựa. Với giá 50.000 đồng/kg nhựa cánh kiến đỏ như hiện nay, người nuôi trồng bán được 15 triệu đồng, trừ chi phí còn thu về hơn 10 triệu đồng.
Cá có thể ‘bú bình’, diễn cảnh ‘vượt cạn’ ở miền Tây
Chủ nhân của đàn cá trê, cá lóc độc đáo này là anh Nguyễn Thành Tâm (43 tuổi, ngụ TP Cần Thơ). Anh Tâm cho biết, cách đây khoảng 5 tháng, anh Tâm mua 700 con cá trê giống về nuôi trong vèo lưới. Để đàn cá trê lên cạn ăn mồi, anh Tâm mất khoảng 4 tháng tập luyện chúng.
Đến lúc cá lóc bay “già”, trọng lượng lớn, chúng làm biếng bay thì anh Tâm thả chúng ra ao lớn. Khi ra ao, đàn cá lóc rất nhát, anh Tâm mất rất nhiều thời gian để tập cho chúng bú bình.
Đàn cá cùng lúc vượt lên miếng xốp giành thức ăn. (Ảnh: Thiện Chí) |
Ban đầu chỉ vài con đến “bú bình thức ăn”, nhưng hiện nay đàn cá chen chúc, tranh nhau đến để được bú bình. “Ðàn cá lóc của tôi hiện có khoảng vài nghìn con. Trong đó, cá lóc bú bình rất dữ, đôi khi còn ngậm cả “bình sữa” để lôi đi", anh Tâm chia sẻ.
Chợ đặc biệt bán lúa non như rau
Nhiều người dân xã Thanh Dương (Thanh Chương, Nghệ An) cũng không nhớ chợ bán mạ (cây lúa non) hình thành từ khi nào. Người dân tứ xứ khi đi qua đây sẽ thấy sửng sốt bởi "món hàng" này nhưng với người dân nơi đây, việc mang cây lúa dư thừa đi bán là chuyện bình thường, chưa kể nó có thể mang lại một nguồn thu nhập đáng kể vào dịp sau Tết.
Cây lúa non được tỉa khỏi ruộng, bó thành từng nắm, bán với giá 10.000-13.000 đồng/bó. Chợ bán mặt hàng đặc biệt này họp tự phát nhưng kẻ bán người mua không kém phần tấp nập.
Độc đáo nghề làm dây thừng bằng vỏ cây, bao tải bỏ đi
Từ xa xưa, người dân Jrai tại thôn Plei Chrung (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) đã dùng cây rừng, bao tải để làm nên những chiếc dây thừng phục vụ cho sản xuất. Các khâu làm dây đều từ bàn tay khéo léo, dẻo dai của người thợ nên hoàn thành sản phẩm chắc chắn, độ bền cao và màu sắc rực rỡ. Khâu quan trọng nhất để quyết định chất lượng của sợi dây là bước chọn và tước từng sợi dây trên bao.
Nghề làm dây thừng độc đáo, nguyên liệu từ bao đựng lúa hoặc vỏ cây. |
Theo ông Ksor Bliêng, nghề này chỉ có người đàn ông, con trai mới làm được. Tại vì công đoạn làm cần nhiều sức để kéo dây và ngồi hàng chục giờ mới hoàn thành một sợi chất lượng. Nhờ những chiếc dây thừng này mà bà con Jrai cũng có thêm thu nhập vào mùa giáp hạt.
Lão nghệ nhân làm giày độc bản tuyệt đỉnh
Dù thời thế đổi thay, công nghệ phát triển song vẫn còn không ít "người muôn năm cũ" ở Sài Gòn phồn hoa gắn bó với những nghề truyền thống của gia đình hoặc nghề đã nuôi sống họ trong quá khứ. Báo Tiền Phong cho hay, làm nghề đóng giày từ thời thanh niên, đến nay, ở tuổi 90 nhưng nghệ nhân Trịnh Ngọc vẫn miệt mài với từng đường kim, mũi chỉ để cho ra những đôi giày tuyệt đỉnh về chất lượng và kiểu dáng.
Mỗi đôi giày đóng thủ công của nghệ nhân Trịnh Ngọc có giá từ 7-8 triệu đồng/đôi nhưng khách không hề trả giá, còn đặt đóng một lúc vài đôi. Bởi những đôi giày độc đáo thuộc loại "độc nhất vô nhị" được người nghệ nhân dùng chính đôi tay để đục từng hoa văn trên da luôn có cái hồn riêng.
Con trăn trắng muốt hiếm có ở Ninh Bình
Con “bạch xà” (trăn bạch tạng) thuộc loại hiếm có xuất hiện tại xã Văn Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đang gây xôn xao dư luận. Ông Nguyễn Phú Năm - Chủ tịch UBND xã Văn Phương - cho biết trên Báo Dân Việt: "Con trăn với toàn thân có màu trắng hay còn được gọi là "bạch xà" được người dân phát hiện từ ngày 11/3, nặng khoảng 10 kg, dài hơn 3 mét.
Toàn thân con trăn có màu trắng, phần đầu có hoa văn trông rất kỳ lạ. Theo người dân xã Văn Phương, con trăn toàn thân trắng là do nó bị đột biến.
Hạnh Nguyên(Tổng hợp)