Nếu bạn google search với cụm từ khóa “sóng gió ngành tài chính ngân hàng” thì sẽ cho ra khoảng 430.000 kết quả trong khoảng thời gian chỉ 0,33 giây, số lượng này còn nhiều hơn cả khi tìm với từ khóa “sóng gió cuộc đời” - là tên một bộ phim nổi tiếng của Thái Lan năm 2017. Có thể nói chưa có một ngành nghề nào gặp nhiều “sóng gió” như ngành tài chính ngân hàng trong mấy năm vừa qua ở Việt Nam.
Đến nay, nếu tính từ khi các ngân hàng thương mại thực sự có mặt, thì lịch sử ngành ngân hàng có thể chia thành 5 giai đoạn:
Giai đoạn 1 từ năm 1990 đến năm 1996: Hệ thống ngân hàng bắt đầu chuyển từ một cấp sang hai cấp với sự tham gia của các ngân hàng thương mại, hệ thống ngân hàng bắt đầu mở rộng thành phần và đón nhận các thành viên mới tham gia hoạt động.
Giai đoạn 2 từ năm 1997 đến năm 2005: Ngay từ giai đoạn này ngành ngân hàng đã phải thực hiện củng cố và chấn chỉnh những vấn đề phát sinh do việc mở rộng hoạt động trong những năm trước đó. Đáng chú ý trong giai đoạn này là cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á, nhưng rất may mắn là tác động của nó đến các ngân hàng thương mại còn non trẻ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung thực sự không nhiều.
Giai đoạn 3 từ năm 2006 đến năm 2010: là giai đoạn “bùng nổ” của các ngân hàng thương mại cũng như ngành ngân hàng, kết quả (hay hậu quả?) của nó là sự phát triển cực nhanh của hệ thống ngân hàng cả về quy mô lẫn số lượng. Trong giai đoạn này có sự kiện đáng chú ý và cũng là chất xúc tác để hệ thống ngân hàng “bùng nổ” đó là Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cơn sốt của thị trường chứng khoán. Đây được xem là một giai đoạn rất đặc biệt vì đã tạo ra những thay đổi và kèm theo đó là những hệ luy ảnh hưởng đến ngành ngân hàng cho đến tận ngày nay.
Về mặt tích cực thì giai đoạn này đã tạo lập được một hệ thống ngân hàng phát triển mạnh hơn, sâu rộng hơn, các sản phẩm dịch vụ cũng như vị thế của một số ngân hàng đã xác lập được ở cấp độ quốc gia, thậm chí là khu vực. Tuy nhiên thì những mặt tiêu cực cũng không hề kém, đó chính là việc tham gia đầu tư vốn vào ngân hàng (ngoài ngành) của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; việc chuyển đổi hàng loạt các ngân hàng từ loại hình TMCP nông thôn lên TMCP đô thị, vấn đề vốn ảo, sở hữu chéo, tăng trưởng nóng tín dụng, . . .Có thể ví von giai đoạn này như là quá trình tích luỹ năng lượng cho một “cơn bão” của ngành ngân hàng về sau.
Giai đoạn 4 từ năm 2011 đến năm 2015: Có thể gọi là giai đoạn “tái cơ cấu bước 1”, đây là giai đoạn mà “cơn bão” manh nha trước đó bắt đầu hoành hành hệ thống ngân hàng một cách dữ dội và mức độ ảnh hưởng của nó thật khủng khiếp. Đây cũng là giai đoạn mà các biện pháp “chống bão” cũng như khắc phục hậu quả rất quyết liệt bằng các giải pháp như sáp nhập, xử lý đầu tư ngoài ngành, sở hữu chéo kiểm soát đặc biệt và “0 đồng”. Ở giai đoạn này thì vai trò và cả áp lực về quản lý, điều hành của Ngân hàng Nhà nước là nổi bật và nặng nề hơn trong tất cả các giai đoạn trước.
Giai đoạn 5 từ 2016 trở về sau: Đây được xem là giai đoạn “tái cơ cấu bước 2”, ở giai đoạn này thì “cơn bão” trước đó đã đi qua nhưng hậu quả thì ở lại và “hoàn lưu” vẫn còn tiếp tục gây thiệt hại ít nhiều. Tới giai đoạn này thì ngành ngân hàng đã có những thay đổi rất rõ nét như tinh gọn về số lượng, thay đổi về cấu trúc sở hữu theo hướng tốt hơn, các “ngân hàng xấu” đã được “khoanh” để chuyển giao quản lý hoặc hoà vào một “ngân hàng tốt” để từng bước tốt hơn.
Với riêng tôi, nếu tính cả thời gian học ở trường ngân hàng, thì đến nay xem như đã có gần 20 năm gắn bó với ngành ngân hàng. Một năm sau sự kiện khủng hoảng tài chính Châu Á, năm 1998, tôi bắt đầu vào trường ngân hàng. Bốn năm sau, năm 2002, tôi ra trường và bắt đầu con đường sự nghiệp của mình. Trong 15 năm qua, tôi trải qua nhiều vị trí công việc và cấp bậc khác nhau trong ngân hàng. Nếu gắn với từng giai đoạn như ở trên thì thật sự đã có những lúc tôi cảm thấy “dễ thở” với nghề như những năm ở giai đoạn 2 và 3, nhưng ngược lại cũng có những khí thấy “nghẹt thở” như những năm ở giai đoạn 4 và cả 5 bây giờ.
Sẽ còn quá sớm đến tổng kết, nhưng trong 15 năm qua tôi nhận thấy mình đã rất may mắn khi đã được nếm trải đầy đủ những niềm vui, nỗi buồn, sự ngọt bùi cũng như cay đắng của nghề. Có lúc tưởng chừng như gắn kết mãi mãi với nghề vậy mà cũng có lúc tôi bị sóng gió của “cơn bão” đánh bật ra khỏi con “thuyền ngành”, nhưng với niềm tin và lòng yêu nghề tôi đã cố gắng “bơi” và “lên thuyền” trở lại cùng đồng nghiệp.
Tác giả Nguyễn Thanh Quang vừa đoạt Giải Khuyến khích tại cuộc thi viết "Nghề Tài chính ngân hàng: Thử thách và Vinh quang" do CafeF phối hợp với báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức (hình ảnh do tác giả cung cấp)
“Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” là điều mà tôi luôn tâm niệm để vững tâm và vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong công việc nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Có thể thời gian tới chưa phải đã hết khó khăn, nhưng tôi có niềm tin là ngành ngân hàng sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách đó để trở lại quỹ đạo phát triển. Tuy nhiên, có một điều mà những người làm nghề như chúng tôi rất sợ, đó chính là những “cơn bão”. Đây chính là thủ phạm gây “sóng to gió lớn” làm con “thuyền ngành” tròng trành, chao đảo trong những năm qua. Do đó, điều mà những người làm nghề như chúng tôi cần đó chính là “sóng yên biển lặng”, hay nói chính xác hơn đó là sự an bình.
Sự an bình ở đây không có nghĩa là an phận, tâm lý ngán ngại khó khăn, thử thách hay không phấn đấu trong công việc mà có thể nói đó là sự ổn định (stability). Sự ổn định trong chính sách quản lý, điều hành cũng như môi trường kinh doanh, luật pháp trong ngành ngân hàng...Bởi vì sự ổn định trong các mặt hoạt động nêu trên sẽ góp phần thực hiện hiệu quả vai trò của của ngành ngân hàng trong mục tiêu phát triển nền kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho những người như chúng tôi an tâm làm việc và phát triển với nghề, để rồi từ đó tìm thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc với nghề nghiệp của mình.
Và như vậy thì với tôi, và tôi tin là với nhiều đồng nghiệp khác cũng thế, làm ngân hàng cứ "An Bình là Hạnh phúc"!