Từ những gốc tre sần sùi, vô tri, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ đã "thổi hồn", khiến những vật tưởng như bỏ đi… bật cười.
Anh chàng bán hàng rong thành nghệ nhân
Đỏ "tre" hay "nghệ nhân răng sún" là biệt danh mà nhiều người dành cho nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ (50 tuổi, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Hơn 20 năm, qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân này, hàng nghìn tác phẩm độc đáo đã ra đời, hút mắt bao du khách đến phố Hội.
Để có được thành công như hôm nay, ông Đỏ phải trải qua nhiều thăng trầm. Từ nhỏ, ông Đỏ được cha mẹ cho học nghề điêu khắc gỗ, với mong muốn có cái nghề để mưu sinh.
Tuy nhiên, thu nhập không đủ sống, có thời điểm, ông phải đạp xe bán bánh chưng và bắp (ngô) luộc để mưu sinh. Sau khi lập gia đình, cuộc sống cũng chẳng khá hơn, ông Đỏ phải bươn chải đủ nghề.
Năm 2002, một bước ngoặt đã thay đổi cuộc đời ông khi Hội An trải qua một trận lụt lớn. Lũ rút, vô số gốc tre từ thượng nguồn đổ về, nhiều không kể xiết. Nhìn những gốc tre nằm ngổn ngang, đủ hình thù kỳ dị, ông Đỏ tò mò mang về nghiên cứu.
Chăm chỉ "đục đục, đẽo đẽo", những gốc tre xấu xí qua tay ông trở nên sống động hơn. Lúc bấy giờ, mưu sinh với nghề mộc quá khó, ông bèn nghĩ đến việc điêu khắc gốc tre mang bán.
"Nhiều người nghĩ tôi khùng, làm chuyện điên rồ, nhưng áp lực mưu sinh quá lớn khiến tôi "hóa liều". Cũng may có người hỏi mua, rồi dần dần tiếng lành đồn xa, nhiều đơn đặt hàng "chạy" đến. Nhờ nghề tạc tượng gốc tre, cuộc sống tôi đổi thay theo hướng tích cực, có công việc mưu sinh, hơn nữa là góp phần tạo ra một sản phẩm lưu niệm độc đáo tại phố cổ", ông Đỏ bộc bạch.
Ông Đỏ "răng sún" khiến gốc tre… bật cười
Việc tạo tác một tượng tre điêu khắc thủ công là một quá trình không hề đơn giản và rất công phu. Ông Đỏ phải tìm mua gốc tre già ở nhiều nơi, vùng đất thịt và đất sét thì gốc tre cứng cáp, rễ ngắn, vùng đất cát thì rễ tre dài, nhiều gai. Sau khi đào lên, gốc tre được tách, tạo dáng, ngâm trong bùn 9 tháng rồi tiếp tục vớt lên làm sạch và phơi nắng trong khoảng 10 ngày để gốc tre cứng hơn và không bị mối mọt.
Những tác phẩm của ông Huỳnh Phương Đỏ khắc họa nét đẹp văn hóa của người Việt qua hình ảnh những nhân vật tâm linh. Bên cạnh điêu khắc chân dung các nhân vật lịch sử, danh nhân, thần linh, ông Đỏ còn thuần thục kỹ năng tạc chân dung người thật.
Để có thể thao tác điêu luyện như vậy, ông tự mình rèn giũa tay nghề, đọc nhiều sách báo, tranh ảnh, truyền thuyết về các vĩ nhân để có thể khắc họa rõ nét uy nghiêm, tâm thế của từng nhân vật mà tác phẩm thể hiện.
Ông Đỏ tâm sự, muốn giỏi thì phải kiên trì, rèn giũa mỗi ngày chứ không phải sinh ra là đã điêu luyện được. Bao lần làm hư hỏng, không toát lên được nét thần thái nhân vật như ý, mất bao công sức, tiền của nhưng những ngày tháng cần mẫn đó đã "trui rèn" nên người thợ vững tay nghề hôm nay.
"Làm nghề hơn 20 năm nhưng chưa lần nào tôi gặp gốc tre nào giống gốc tre nào, tất cả đều có điểm khác biệt, từ gốc đến thân. Đối với việc điêu khắc tre, theo tôi, quan trọng nhất phải "thổi hồn" được cho gốc tre, bố cục hài hòa, chi tiết, toát lên thần thái cần có của bức tượng", ông Đỏ chia sẻ.
Gần 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, du lịch Hội An ảnh hưởng nặng nề, công việc điêu khắc tượng của gia đình ông Huỳnh Phương Đỏ cũng gặp không ít khó khăn nhưng chưa bao giờ ông nghĩ đến việc bỏ nghề. Vợ chồng ông Đỏ vẫn hàng ngày bày biện hàng bên vỉa hè khu phố cổ, trình diễn giới thiệu quy trình chế tác tượng gốc tre độc đáo, làm cho phố Hội thêm sinh khí trong thời gian vắng khách.
"Dịch bệnh cũng ảnh hưởng nặng nề đến công việc mưu sinh nhưng khó khăn đến mấy thì cũng phải cố gắng vượt qua. Tôi cũng đã qua thời bươn chải đủ nghề kiếm sống, giờ thì chẳng sợ gì nữa. Du lịch hiện đang phục hồi dần, du khách sẽ quay lại phố cổ, sự kiên trì sẽ được đền đáp thôi", ông Đỏ cười nói.
Với nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ, mong muốn lớn nhất của ông là được truyền nghề cho thế hệ trẻ. Trong tương lai, ông sẽ mở một cơ sở dạy nghề dành riêng cho những người yêu thích điêu khắc gốc tre tại Việt Nam. Vì với ông, hình ảnh cây tre là nét đẹp thân thương gắn với sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân vùng quê Việt. Ông luôn muốn góp một chút khả năng để lưu giữ cái nghề mà mình yêu mến.
(Theo Dân trí)