Học nghề sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Theo ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ LĐTBXH), nghề được lao động nông thôn lựa chọn nhiều hơn cả là nghề sản xuất chế biến nông sản theo công nghệ cao. Tuy vẫn là học nghề nông nghiệp, nhưng lao động sẽ được học cách sản xuất theo quy mô rộng, sản xuất, phân phối theo kiểu hàng hoá, thậm chí học marketing cho chính sản phẩm của mình. “Điều quan trọng là học nghề cũ nhưng sau học nông dân có việc làm, năng suất, thu nhập cao hơn trước” – ông Tiến nói.
Nghề trồng hoa công nghệ cao thu hút khá đông lao động ở (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) theo học. Ảnh: Minh Nguyệt
Nhiều học viên sau học nghề đã thành công với các mô hình mở nhà hàng, mở nhà nghỉ, hoặc mở cửa hàng bán bánh, hợp tác xã chuyên nấu ăn phục vụ lễ cưới... |
Một số địa phương đang đi đầu trong việc dạy nghề sản xuất nông nghiệp cao gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương như tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh. Ở các địa phương này, ngoài việc thực hiện dạy nghề theo Đề án 1956, lao động nông thôn nếu tham gia học nghề còn được hỗ trợ bằng nhiều chính sách như, vay vốn, tạo việc làm...
Nghề tiểu thủ công - mỹ nghệ
Hiện nay, nhiều lao động nông thôn đã tham gia học các nghề phi nông nghiệp để có thể tự tạo việc làm. Theo ông Nguyễn Duy Hưng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo (Hà Nội), ngoài nghề nông nghiệp vốn là thế mạnh lao động nông thôn, nghề tiểu thủ công nghiệp cũng được lao động lựa chọn.
Chị Nguyễn Thị Hành (45 tuổi, Ứng Hoà, Hà Nội) cho biết, trước đây gia đình chị đã làm nghề hương, tuy nhiên chỉ đi làm thuê. Sau khi được học nghề chị mạnh dạn đầu tư lập xưởng sản xuất. Hiện gia đình chị làm ăn ổn định thuê 5 lao động làm, thu nhập mỗi năm cũng được gần 300 triệu đồng.
Nghề dịch vụ
Ngoài nghề làm tăm, nghề mộc, nghề đan, nghề làm tóc... theo ông Hưng, hiện nay các trường trung cấp, cao đẳng cũng đang kết hợp với các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội tổ chức dạy nghề dịch vụ. “Một bộ phận lớn các quận, huyện ngoại thành Hà Nội đang bị đô thị hóa. Cùng với đó, diện tích đất nông nghiệp giảm dần, nhiều nông dân đã tự ý thức được việc cần phải chuyển đổi việc làm. Chính vì vậy, việc học nghề dịch vụ như làm bánh, nấu ăn, dịch vụ du lịch được nhiều lao động lựa chọn” – ông Hưng nói.
Nghề sửa chữa máy nông nghiệp
Mặc dù là nghề phi nông nghiệp, nhưng do tính chất gần gũi với sản xuất nông nghiệp nên cũng có rất đông các lao động tham gia lớp học này. Qua báo cáo sơ bộ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) trong năm 2017, có hàng trăm nghìn lao động trong cả nước đã được học nghề phi nông nghiệp, trong đó có nghề sửa chữa máy nông nghiệp. Một số tỉnh thành mở nhiều lớp này như Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu.
Nguyên nhân là bởi ở miền núi, dân cư sống thưa thớt, việc máy móc dụng cụ lao động hỏng thường gây khó khăn cho sản xuất. Chính vì vậy, việc lao động có nghề sửa chữa máy nông nghiệp sẽ góp phần giúp nông dân tự tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất theo hướng hiện đại hóa
Nghề giúp việc gia đình
Năm 2017, nghề giúp việc gia đình đã được Bộ LĐTBXH đưa vào danh mục nghề nghiệp được đào tạo. Hiện nay, có hàng triệu người đang làm công việc giúp việc gia đình bán chuyên, chuyên nghiệp, tuy nhiên việc đào tạo lại chưa chuyên nghiệp. Vì vậy, trong tương lai gần có thể nghề này sẽ là nghề thu hút một lượng lớn lao động theo học. Theo ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, hiện tại đã có một số cơ sở đào tạo nghề tiến hành đào tạo nghề này.