Khi bắt đầu viết content, chị Trần Thảo Linh (Hà Nội) làm việc không lương để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, chị dần được khách hàng tin tưởng trao cho nhiều dự án, thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng.
"Thợ" viết
Bén duyên với nghề content từ khi còn là sinh viên, tính đến nay chị Trần Thảo Linh (SN 1993, trú tại Hà Nội) đã có gần 7 năm kinh nghiệm quản lý và lên ý tưởng nội dung cho các dự án, trang mạng xã hội trong nhiều lĩnh vực như ẩm thực, nha khoa, bất động sản, công nghệ, giải trí...
"Nghề content mang lại cho tôi thu nhập, kiến thức xã hội và các mối quan hệ. Đây là một công việc thú vị, phù hợp với người yêu thích sự năng động, khám phá và sáng tạo", chị Trần Thảo Linh tâm sự.
Theo chị Trần Thảo Linh, nghề này tìm việc không khó và nhiều cơ hội để thử sức. Người làm nghề chỉ cần tư duy tốt, đam mê viết lách và kiên nhẫn.
Chị Trần Thảo Linh có gần 7 năm kinh nghiệm viết content. |
"Khi mới vào nghề, tôi làm việc không lương để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, tôi được khách hàng tin tưởng trao cho nhiều dự án, thu nhập dần ổn định", chị chia sẻ.
Hiện tại, ngoài thời gian làm cố định tại công ty, chị còn nhận quản lý các trang mạng xã hội cho nhiều nhãn hàng, thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng/tháng.
Cũng gắn bó với nghề từ năm 3 đại học, anh Nguyễn Quang Huy (SN 1999, quê ở Nam Định) nhận định với mức thu nhập từ công việc viết content có thể giúp anh trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Thủ đô.
Nghề viết content là tạo ra nội dung để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ. Hiện nay, công việc này có nhu cầu tuyển dụng tương đối lớn. Người viết content có thể làm việc tự do, cùng lúc cộng tác với nhiều khách hàng nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu của đối tác và sáng tạo nội dung sinh động, thuyết phục người đọc.
"Tôi nhận viết content cho các trang thể thao, với mức giá trung bình một bài viết khoảng 1.000 từ là khoảng 150 nghìn đồng/bài. Những bài không yêu cầu quá nhiều về nội dung và dung lượng ngắn sẽ từ 50-70 nghìn đồng/bài", anh Nguyễn Quang Huy cho biết.
Làm theo tính chất tự do nên thời gian làm việc của anh không bị bó buộc. Tuy nhiên, công việc cũng đòi hỏi sự tập trung, linh hoạt, đảm bảo tiến độ cũng như các yêu cầu khách hàng đề ra.
Ngoài những công ty cộng tác lâu dài, anh Nguyễn Quang Huy thường chủ động tìm nguồn việc và đối tác mới trên các diễn đàn tuyển dụng để có thêm nguồn thu.
Ngậm "trái đắng" vì bị... quỵt lương
Chân ướt, chân ráo vào nghề, chị Lâm Thục Khánh (SN 2000, quê ở Hưng Yên) hụt hẫng ngay sau lần đầu thử việc.
Thông qua các nhóm tuyển cộng tác viên content trên mạng xã hội, chị cũng tìm được một công việc phù hợp, không yêu cầu kinh nghiệm, làm việc tại nhà, chế độ nhuận bút hợp lý.
Trao đổi với nhà tuyển dụng, chị phải viết một bài đánh giá năng lực khoảng 2.000 từ thuộc lĩnh vực du lịch, nếu đạt yêu cầu sẽ được nhận vào làm cộng tác viên chính thức.
Ngay trong lần đầu thử việc chị Lâm Thục Khánh hụt hẫng vì nhà tuyển dụng không phản hồi và còn sử dụng bài viết của chị đăng lên trang của công ty. |
Tuy nhiên sau khi gửi bài, chị Lâm Thục Khánh bị nhà tuyển dụng lờ đi và không hề nhận được một tin nhắn phản hồi. Không những vậy, vài ngày sau chị phát hiện bài viết đã được sử dụng trên website của công ty.
Tương tự, thời gian đầu mới vào nghề, chị Trần Thảo Linh cũng phải "ngậm trái đắng" vì công ty cho nghỉ việc, quỵt lương mà không rõ lý do.
"Lần đầu tiên tôi cảm thấy bị đối xử bất công và chịu nhiều uất ức như vậy. Chỉ tiêu hàng ngày tôi luôn hoàn thành đúng hạn, nhưng bài gửi lên cấp trên không duyệt cũng không hề phản hồi lại", chị Trần Thảo Linh kể.
Theo chị, ngoài những kỹ năng cần thiết, người làm content còn phải am hiểu các kiến thức về SEO, marketing. Họ còn phải đối mặt với áp lực lớn từ khách hàng, chịu trách nhiệm về lượt truy cập. Ý của khách hàng có thể thay đổi liên tục, bắt buộc người viết phải sửa đổi bài đến khi khách hài lòng.
Đặc biệt, quan niệm nghề viết content đơn thuần chỉ là "cắt dán" nội dung có sẵn là chưa đầy đủ.
"Hiện nay vẫn còn nhiều người hiểu sai về nghề content là chỉ cần sao chép nội dung từ các nền tảng mạng và biên tập lại, không cần bỏ chất xám. Cũng chính vì vậy, người làm nghề ít kinh nghiệm thường không được xem trọng, thậm chí còn bị lừa rất nhiều", chị Trần Thảo Linh lo lắng.
(Theo Dân Trí)