Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 30-4, Việt Nam xuất khẩu gần 2,1 triệu tấn gạo, tương đương 893,3 triệu USD. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2018, sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 2,2 triệu tấn, tương đương hơn 1,105 tỉ USD. Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt hơn 9.500 tấn với trị giá trên 4,5 triệu USD, giảm 95,14% về lượng và 95,48% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, Trung Quốc cũng tụt xuống vị trí thứ 7 trong những quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam 2 tháng đầu năm.
Tìm thị trường thay thế
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), một trong những công ty khai phá thị trường Trung Quốc chính ngạch - cho biết thị trường này từng chiếm đến 80% lượng gạo xuất khẩu của công ty. Tuy nhiên, từ giữa năm 2017 đến nay, xuất khẩu gạo sang đây liên tục sụt giảm, từ khi họ tăng thuế nhập khẩu nếp từ Việt Nam lên 50%. So với trước đây, sản lượng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc của công ty giảm đến 90%, các bạn hàng lâu năm giờ chỉ mua vài lô hàng, phần lớn chuyển sang mua gạo Thái Lan, Campuchia...
"Hiện thị trường Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, nguyên nhân họ giảm mua không rõ ràng nên doanh nghiệp (DN) khó ứng phó. Tuy nhiên, công ty đã tìm được một số thị trường thay thế, đáng kể là Philippines, sau khi nước này bỏ chính sách nhập khẩu tập trung để chuyển sang nhập khẩu tự do theo cơ chế thị trường" - ông Đôn thông tin.
Theo ông Đôn, một số DN khác có mức giảm sút xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc ít hơn nhờ có nhiều đơn hàng ở các tỉnh sâu trong nội địa nước này. Còn các tỉnh giáp biên giới Việt Nam, thương nhân Trung Quốc giảm mua hàng từ Việt Nam rõ rệt. Ông Đôn cho rằng việc phát triển thương hiệu gạo tại Trung Quốc rất khó khăn do DN nước này thích mua gạo xá và đóng lại bao bì theo thương hiệu của họ rồi bán ra thị trường.
Hạt gạo Việt đang gặp khó ở thị trường Trung Quốc Ảnh: Ngọc Trinh
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), thừa nhận lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay rất ít, không đáng kể do nhu cầu mua hàng từ thị trường này giảm mạnh. "Thời gian qua, DN tăng xuất khẩu sang các thị trường thay thế như Malaysia, Philippines, Trung Đông... Đáng chú ý, gần đây DN có thêm khách hàng mới từ Thái Lan - đối thủ xuất khẩu gạo của Việt Nam, chủ yếu mua gạo mới, gạo chất lượng cao nhưng chưa rõ họ mua để bán cho thị trường nội địa hay tái xuất" - ông Bình nói.
Ông Bình đánh giá Trung Quốc là thị trường truyền thống, từng chiếm gần 50% thị phần nên khi họ giảm mua sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ của Việt Nam. "Dù có thị trường thay thế, vẫn bán được hàng, không bị tồn kho nhưng giá giảm nhiều do DN nào cũng bị áp lực đẩy hàng để xoay vòng vốn nên giảm giá, dù biết giá gạo sẽ tăng nhưng DN thiếu vốn để trữ hàng" - ông Bình phân tích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lại nhận định Trung Quốc đang nhập gạo của Việt Nam trở lại như bình thường. Xuất khẩu gạo đang có dấu hiệu tốt lên, bằng chứng là đến thời điểm này vẫn xuất khẩu được 2 triệu tấn gạo, cả năm sẽ xuất 6 triệu tấn như năm 2018. Tuy nhiên, theo ông Kiên, nguồn cung gạo trên thế giới vẫn nhiều, trong khi nhu cầu lại ít.
Thay đổi cách làm ăn
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới, dẫn đến việc bán gạo cho nước này gặp khó khăn. Từ đầu năm 2018, Trung Quốc đã áp dụng nhiều hàng rào như tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50% hay kiểm soát chặt nhập khẩu gạo tấm. "Không riêng DN Việt Nam mà DN Trung Quốc cũng lo ngại về việc nước này siết hoạt động nhập khẩu nông sản nói chung và gạo nói riêng, bởi động thái này ảnh hưởng đến việc làm ăn của họ" - ông Hòa nhận xét.
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, quý I hằng năm là thời điểm nghỉ Tết nguyên đán nên khó tránh khỏi tình trạng xuất khẩu ảm đạm, các đơn hàng chưa được triển khai, trong đó có lúa gạo. Cục này dự báo triển vọng xuất khẩu gạo trong quý II/2019 chưa thực sự lạc quan bởi ngoài thị trường Trung Quốc có nhiều rào cản phải ứng phó, nhiều thị trường khác như Philippines, Indonesia... đã nhập nhiều gạo trong năm trước và chưa có nhu cầu nhập thêm. Một quốc gia khác trong khu vực là Malaysia vừa tăng 5% diện tích trồng lúa nhằm thực hiện mục tiêu giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Bộ Công Thương cho rằng tuy xuất khẩu từ năm 2018 trở lại đây có biến động theo hướng giảm, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc nhưng không phải không có giải pháp phát triển thị trường mới. "Ví dụ Campuchia, mặc dù đi sau Việt Nam về sản xuất và xuất khẩu gạo nhưng họ đã có gạo thơm Phka Romdoul nổi tiếng, thâm nhập các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật. Còn Việt Nam vẫn chưa chọn ra được giống lúa tốt làm chủ lực nên đang xuất khẩu rất nhiều loại gạo khác nhau, dẫn đến hạn chế về mặt thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Khắc phục được điều này, Việt Nam sẽ có thị trường mới thay thế Trung Quốc" - đại diện Bộ Công Thương gợi ý.
Tại buổi làm việc giữa Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cùng 20 DN Trung Quốc chuyên nhập khẩu gạo với UBND tỉnh Đồng Tháp mới đây, ông Đào Việt Anh, Tham tán Việt Nam tại Bắc Kinh, góp ý để gạo Việt có mặt trên nhiều địa phương ở Trung Quốc, nhất là các siêu thị và phát triển bền vững, vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Do đó, DN trong nước cần xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt một cách chuyên nghiệp; tuân thủ nghiêm túc các quy trình, quy định về kiểm dịch, xông hơi khử trùng, quy cách bao bì, đóng gói, tránh sai sót, rủi ro, có thể phát sinh khi xuất khẩu sang thị trường này.
Về giải pháp, ông Lưu Anh, Ủy viên Hiệp hội Lương thực Trung Quốc, góp ý thêm để gạo Việt sang thị trường Trung Quốc thuận lợi hơn, hai bên cần có thêm nhiều cuộc kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để làm rõ việc làm ăn, đồng thời gỡ bỏ những khúc mắc. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử bởi đây là xu thế chung. Cũng cần lưu ý, đặc điểm người dân Trung Quốc thường ở nhà cao tầng, do vậy DN Việt nên xuất khẩu gạo đóng gói hút chân không với trọng lượng từ 5-25 kg.
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu đã mời đoàn DN nhập khẩu gạo Trung Quốc sang Việt Nam kết nối, giao thương và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại từ đầu tháng này. Đoàn Trung Quốc có khoảng 20 DN nhập khẩu gạo do đại diện Hiệp hội Lương thực Trung Quốc làm trưởng đoàn. Chương trình làm việc có đi thực địa một số cơ sở xay xát, chế biến gạo của các DN tại An Giang, Long An, Đồng Tháp.
20 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo sang Trung Quốc
Theo tìm hiểu của phóng viên, Trung Quốc vừa cho phép 3 DN xuất khẩu gạo trở lại do trước đó vi phạm về kiểm dịch thực vật (còn lẫn hạt cỏ trong gạo, thường có ở các lô tấm). Tuy nhiên đầu năm 2019, phía Trung Quốc đã thông báo ngừng giấy phép của 2 DN là Công ty T.G và Công ty T.T.A do xuất khẩu gạo sang đây với số lượng vượt xa năng lực sản xuất, chế biến của nhà máy. Như vậy, hiện chỉ có 20 DN Việt được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, trong tổng số hơn 150 DN có chức năng xuất khẩu gạo. Theo các chuyên gia, việc vi phạm đơn lẻ của vài DN không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn làm mất uy tín cả ngành gạo Việt.
Ng.Ánh