Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), dự thảo Nghị định về giá đất sau khi tiếp thu hoàn thiện có 6 chương, 41 điều quy định về phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất; điều kiện hành nghề tư vấn xác định giá đất; áp dụng phương pháp định giá đất của các trường hợp chuyển tiếp…
Về phương pháp so sánh, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, bỏ quy định về việc xác định giá trị tài sản gắn liền với đất là cây lâu năm chưa đến kỳ thu hoạch; rà soát, chỉnh lý nguyên tắc việc điều chỉnh giá của thửa đất rõ ràng hơn trong việc áp dụng.
Cũng theo dự thảo Nghị định về giá đất, đối với phương pháp thặng dư, cơ quan soạn thảo đã bổ sung thu thập thông tin về thửa đất, khu đất cần định giá; các thông tin cần khảo sát khi áp dụng phương pháp này.
Các đại biểu tập trung thảo luận về việc bổ sung các chi phí trong ước tính tổng chi phí phát triển của thửa đất, khu đất; đề xuất phương án thiết kế tách riêng tổng chi phí phát triển và tổng doanh thu; quy định về đưa chi phí dự phòng vào tổng chi phí phát triển...
Theo đó, Bộ TN&MT tiếp thu, bổ sung thêm các loại chi phí: Quan trắc biến dạng công trình; phá dỡ các công trình xây dựng không thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tiếp thị; thẩm tra tổng mức đầu tư; bảo hiểm công trình; lấn biển đối với dự án lấn biển hoặc hạng mục lấn biển; đồng thời, sửa đổi cách tính chi phí kinh doanh theo hướng phù hợp với tính chất, quy mô dự án và tình hình thực tế tại địa phương…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cũng đã báo cáo, làm rõ thêm về cơ sở không đưa chi phí dự phòng, chi phí dự phòng trượt giá được áp dụng trong thời gian dự án kéo dài nhiều năm, chi phí kinh doanh vào tổng chi phí phát triển; cách tính chi phí kinh doanh, chi phí lãi vay, lợi nhuận của nhà đầu tư; căn cứ áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2015 khi tính tiền sử dụng dất theo bảng giá đất đối với trường hợp bàn giao đất từ ngày 27/8/2007 đến trước ngày 1/7/2014.
Về quy định bảng giá đất, Bộ TN&MT đã bổ sung quy định trong trường hợp thiếu các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất; căn cứ xác định giá đất ở khu vực chưa được quy định trong bảng giá đất; chỉnh lý trình tự xây dựng bảng giá đất và bổ sung, làm rõ các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo bảng giá đất; rà soát, hoàn thiện điều kiện của cá nhân hành nghề tư vấn xác định giá đất theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, bảo đảm Nghị định khi ban hành sẽ giải quyết được các vấn đề thực tiễn yêu cầu, đòi hỏi, cụ thể, dễ thực hiện, tránh sai phạm.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho ý kiến về một số nội dung cụ thể: Đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn định giá đất; áp dụng phương pháp định giá đất và khoản tiền người sử dụng đất phải nộp bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp bàn giao đất trước khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực; quy định điều kiện hoạt động và lập cơ sở dữ liệu về tổ chức, cá nhân hành nghề định giá đất…
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp trong suốt quá trình xây dựng, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định, nhanh chóng đưa những chủ trương, chính sách mới, đột phá trong Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống.
Đánh giá về dự thảo Nghị định về giá đất, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng dù đã kế thừa nhiều nội dung hợp lý của Nghị định số 12/2024/NĐ-CP của Chính phủ về giá đất, nhưng dự thảo còn một số quy định vẫn chưa tính đúng, tính đủ các phần chi phí, lợi nhuận cho chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Điều này dẫn tới nguy cơ giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ cho chủ đầu tư và người mua nhà cũng chịu thiệt hại.
"Hệ quả để lại là không chỉ khó thu hút đầu tư mà còn làm cho giá đất bị đẩy lên ở mức cao không hợp lý. Một trong những vấn đề ở cả Nghị định 12 và Dự thảo Nghị định khi bỏ sót một số chi phí hợp lý khi xác định tổng chi phí nhà đầu tư phải chi ra để sản xuất, kinh doanh bao gồm tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp, chẳng hạn chỉ tính chi phí đầu tư vào phát triển đất mà không tính chi phí ban đầu nhà đầu tư phải bỏ ra để có đất thực hiện dự án, đó là “tiền sử dụng đất” và lãi suất vay vốn", ông Thỏa nhận định.
Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng cho rằng Nghị định và cả hai phương án của Dự thảo Nghị định quy định lợi nhuận chỉ tính trên chi phí phát triển đất, không tính trên tổng chi phí mà nhà đầu tư chi ra (bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí phát triển đất, chi phí kinh doanh) là tính thiếu, không tuân thủ nguyên lý hình thành giá.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest cho rằng, mặc dù Luật Đất đai 2024 đã tạo cơ sở pháp lý mới để giúp các cơ quan chức năng xác định giá đất chặt chẽ, chính xác hơn, tuy nhiên, do Luật chưa có hiệu lực, chưa có bảng giá đất để làm căn cứ định giá, điều này khiến cho hàng trăm dự án vẫn đang "tắc" ở khâu định giá đất và đây là "vấn đề nan giải”.
"Không chỉ chính quyền địa phương e ngại định giá đất mà thời gian vừa qua, nhiều dự án cũng không thuê được đơn vị tư vấn thẩm định giá đất. Hoặc nếu nhận thẩm định, mức giá các đơn vị này đưa ra rất cao "để an toàn", gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp", ông Hiệp nhận định.