Nghị quyết 105 : Triển khai 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp , hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 .
Đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Để đạt được mục tiêu trên Chính phủ quyết định triển khai 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính.
Giải pháp thứ 1 là tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn chống dịch, với các nội dung chính như ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, hướng dẫn doanh nghiệp tự xét nghiệm COVID-19…
Giải pháp thứ 2 liên quan đến lưu thông hàng hóa, Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện "luồng xanh" cho vận tải đường bộ, đường thủy… không quy định thêm các giấy phép cản trở lưu thông.
Giải pháp thứ 3 là tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, với các nội dung như giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, miễn giảm thuế, phí.
Giải pháp thứ 4 là tạo điều kiện thuận lợi về lao động, cho phép chuyên gia nước ngoài sang làm việc, phù hợp với bối cảnh mới.
. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư
Doanh nghiệp được tự xét nghiệm COVID-19, tự chịu trách nhiệm
4 nhóm giải pháp nêu trên của Chính phủ, được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá là cân bằng giữa việc phòng chống dịch và phát triển kinh tế, phù hợp với tình hình hiện nay.
Trong đó, nhóm giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong an toàn với dịch bệnh được cho là cấp bách, cần phải làm ngay, với phương châm "An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn".
Để duy trì sản xuất 3 tại chỗ, ngoài chi phí ăn ở cho công nhân, chi phí xét nghiệm cũng là bài toán đau đầu đối với doanh nghiệp. Vì vậy, khi Nghị quyết 105 gỡ khó khâu xét nghiệm, để doanh nghiệp chủ động kế hoạch và chịu trách nhiệm nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ các doanh nghiệp.
Việc doanh nghiệp tự chủ trong test COVID-19 cũng sẽ giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh, khi thường xuyên phải xếp hàng dài để đăng ký xét nghiệm và chờ lấy kết quả.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp thực hiện được tốt, các chuyên gia cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể từ các đơn vị y tế và việc test nhanh trong một môi trường làm việc thì chỉ nên test thí điểm, tránh test trên diện rộng sẽ làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Nghị quyết 105 gỡ khó khâu xét nghiệm, để doanh nghiệp chủ động kế hoạch và chịu trách nhiệm. Ảnh minh họa - Dân trí.
Hỗ trợ tài chính mới sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Giải pháp về tài chính, vốn cũng là một trong những giải pháp mà cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhất. Theo điều tra mới công bố của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính), có khoảng 63% doanh nghiệp cho biết, dòng tiền chỉ có thể duy trì sản xuất kinh doanh trong vòng 1-3 tháng tới.
Do vậy, những chính sách tài chính trong Nghị quyết 105, được kỳ vọng là sẽ kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp vực dậy sản xuất.
Những chính sách tài chính trong Nghị quyết 105, được kỳ vọng là sẽ kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp vực dậy sản xuất. Ảnh minh họa - Dân trí.
2 tháng trở lại đây, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển ánh sáng Đoàn Gia đã phải tiết giảm tối đa nhân sự, nhưng chi phí hàng tháng của doanh nghiệp cũng sắp xỉ 100 triệu đồng/tháng. Do vậy, doanh nghiệp đã phải vay thêm vốn của ngân hàng. Việc cho phép kéo dài thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là thông tin tích cực với doanh nghiệp.
"Giảm bớt tỷ lệ lãi suất ngân hàng, kéo lãi suất sang các quý khác để giảm tối thiểu. Do hiện tại nguồn thu của công ty là chưa có", anh Đoàn Bá Linh - Giám đốc Cty TNHH Đầu tư và Phát triển ánh sáng Đoàn Gia nói.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng hướng đến xem xét việc giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn. Trước đó, các hiệp hội ngành nghề cũng đã có kiến nghị với Chính phủ cụ thể về các mức giảm và phí bảo hiểm xã hội.
Chính phủ cũng giao các Bộ ngành, địa phương nghiên cứu phương án hỗ trợ phí xét nghiệm, hỗ trợ giảm tiền điện; Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất.
Doanh nghiệp đề xuất về "luồng xanh"
Một vấn đề quan tâm khác của doanh nghiệp đó là làm sao để hàng hóa được lưu thông kịp thời. Bởi trong thời gian qua, có một số địa phương đã áp dụng các quy định tương đối khác nhau về thời hạn giấy xét nghiệm, công nhận test nhanh, hàng hóa được phép vận chuyển… dẫn đến doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện của tỉnh này, nhưng lại không đáp ứng điều kiện của tỉnh khác.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải cho biết, sẽ thống nhất quan điểm về "luồng xanh". Chỉ trừ tuyến đường nào bắt buộc để hạn chế phòng chống dịch, còn lại tất cả đều là "luồng xanh". Quan điểm là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, để phục vụ sản xuất, trừ hàng cấm.
Ngoài ra, Bộ giao thông Vận tải cũng đang thực hiện cắt giảm, điện tử hoá các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, nhất là việc xuất nhập khẩu tại các cảng biển.
Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, để chuỗi vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu qua cảng biển được thông suốt, các đơn vị đã phải kiểm soát chặt chẽ công tác phòng chống dịch từ 4 hướng. Đó là đội tàu biển, các phương tiện thuỷ nội địa chở hàng đến cảng, các xe tải vận chuyển hàng hoá và chính lực lượng nhân công làm việc tại các cảng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc chuẩn bị các kế hoạch dự phòng về công suất hoạt động của các cảng biển, sẵn sàng đối phó với nguy cơ xảy ra ùn ứ ảnh hưởng đến lưu thông hàng hoá như tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây cũng đã được triển khai.
Với những giải pháp kịp thời, linh hoạt, cụ thể của Nghị quyết 105 của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tin tưởng, sẽ sớm vượt qua đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống của người dân về trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất, giúp doanh nghiệp giữ vững chuỗi sản xuất, cung ứng, để phát triển kinh tế bền vững.