TP HCM đón nhận Nghị quyết 31 trong niềm vui và vinh dự lớn lao nhưng cũng ý thức đây là trách nhiệm nặng nề. Nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân kỳ vọng về Nghị quyết 31 sẽ là "chìa khóa vàng", là cơ sở để thành phố có những chính sách, cơ chế vượt trội, qua đó phát triển vì cả nước, cùng cả nước.
Khẳng định sứ mệnh của TP HCM
Phát biểu tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết trước Nghị quyết 31, Bộ Chính trị đã có 3 nghị quyết rất quan trọng, mang tính lịch sử về phát triển TP HCM. Năm 1982, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 01; năm 2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 20 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2010, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của thành phố đối với cả nước. Đến năm 2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2020.
Năm 2022, Nghị quyết 31 ra đời, lần nữa khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí, tầm vóc, sứ mệnh của TP HCM. Đây là trách nhiệm mà TP HCM phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện như quan điểm nghị quyết đã đề ra: "TP HCM vì cả nước, cả nước vì TP HCM".
"Lần triển khai Nghị quyết 31 này có điểm mới. Đó là Ban Bí thư trực tiếp triển khai, các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành tham dự để cùng trao đổi, thảo luận, cho ý kiến thống nhất để có chương trình hành động sát hợp, đưa nghị quyết vào cuộc sống có hiệu quả để TP HCM làm đúng vai trò, sứ mệnh là đầu tàu dẫn dắt kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nói.
TP HCM sẽ chủ động hơn
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2012 của Bộ Chính trị khóa XI, trung ương đánh giá TP HCM rất cao. TP HCM luôn đi đầu, quy mô kinh tế năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Tuy nhiên, trung ương cũng nhìn nhận tính vượt trội, năng động, sáng tạo, kinh tế của TP HCM có chậm lại so với vị trí, vai trò của thành phố. Chính vì thế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31.
"Ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới" - Nghị quyết 31 nêu.
Ông Huỳnh Thanh Nhân cũng cho biết TP HCM đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương xây dựng nghị quyết về thí điểm một số chính sách vượt trội để phát triển thay thế Nghị quyết 54/20217 của Quốc hội. Hiện nay, các bộ, ngành trung ương đang tiếp tục thẩm định. Theo tinh thần của Ban Soạn thảo thì hôm nay (11-3) sẽ trình Chính phủ. Phấn đấu trong tháng 3-2023 trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tháng 5 trình lên Quốc hội thông qua. Tinh thần này được quán triệt từ Bộ Chính trị, từ Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
"Dự thảo nghị quyết mới xoay quanh 7 nội dung: quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy và TP Thủ Đức. Hy vọng nghị quyết về cơ chế, chính sách vượt trội sẽ được Quốc hội thông qua trong tháng 5. Khi đó, TP HCM sẽ chủ động hơn, quyết định hơn trong những vấn đề của mình" - ông Huỳnh Thanh Nhân nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-3
TS NGUYỄN QUỐC BÌNH, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị ra đời được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho TP HCM phát triển nhanh, bền vững. Nghị quyết cũng đặt ra cho TP HCM mục tiêu trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Để đạt được mục tiêu lớn này thì TP HCM cần thực hiện những mục tiêu nhỏ trước, những vấn đề cụ thể mà thành phố có thể thực hiện được, nhất là giải quyết những tồn tại liên quan mật thiết đến đời sống người dân lâu nay như tình trạng ô nhiễm sông rạch, môi trường… TP HCM cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm chứ không thể cùng một lúc làm tất cả các dự án, bởi nguồn lực có hạn.
GS HÀ TÔN VINH, kiều bào Mỹ: Phải yêu thành phố hơn yêu chính mình
Nghị quyết 31 đặt ra nhiều mục tiêu phát triển cho TP HCM. Lực lượng kiều bào mong muốn được góp sức cùng thành phố để thực hiện những mục tiêu đó. Bởi đã là người Việt thì phải có bổn phận với quê hương, Tổ quốc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung và TP HCM nói riêng. Tôi thiết nghĩ kiều bào muốn về quê hương, về TP HCM phải với tâm thế "yêu đất nước này, yêu thành phố này hơn chính mình". Việt Nam là nước đang phát triển, nếu nghĩ rằng về nước tìm cơ hội làm việc, sự đãi ngộ… như các nước phát triển mà họ đang sống thì chưa thể có.
Thời gian qua, cả nước nói chung và TP HCM đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho kiều bào. Dù vậy, kiều bào cũng còn gặp một số khó khăn khi trở về nước. Do đó, kiều bào rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền.
Anh TRẦN THẾ HIỂN, chuyên viên Trung tâm Thông tin quy hoạch - Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM: Đột phá phát triển nhà ở xã hội
TP HCM là một trong những đô thị lớn nhất cả nước, tốc độ đô thị hóa và tốc độ tăng dân số cơ học rất nhanh trong những năm qua. Nhu cầu về nhà ở rất lớn, đặc biệt là nhu cầu của công chức, viên chức, người lao động, công nhân. Thế nhưng, các sản phẩm nhà ở trên địa bàn thành phố hiện nay là dòng sản phẩm cận cao cấp và cao cấp, hướng đến người có thu nhập cao. Một câu hỏi đặt ra là "Vì sao đa số các doanh nghiệp bất động sản đều khai thác sản phẩm nhà ở cận cao cấp và cao cấp trên địa bàn TP HCM?". Rõ ràng, câu trả lời là doanh nghiệp đạt lợi nhuận rất cao so với việc khai thác dòng sản phẩm nhà ở phân khúc bình dân.
Nghị quyết 31 nhấn mạnh: "Thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân". Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các đối tượng có thu nhập bình quân, thu nhập thấp có thể sở hữu được một mái ấm ở đô thị đông dân nhất nước.
Ông NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội: Sớm hình thành quỹ an sinh xã hội
TP HCM là thành phố luôn đón đầu khuynh hướng kinh tế mới của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Theo đó, TP HCM trở thành nơi tiên phong trong các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của cả nước, cũng là nơi phát sinh các vấn đề mới, chưa có tiền lệ trong các thực hành pháp lý hiện hành.
Chính vì vậy, Nghị quyết 31 ra đời lần nữa khẳng định TP HCM là địa phương thực hiện các chiến lược tiên phong để làm cơ sở khoa học cho cả nước sau này. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, thành phố luôn là nơi khởi phát cho các mô hình phát triển mang tính đột phá, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, trong bối cảnh chính sách an sinh xã hội cho người lao động đang trở thành mối lưu tâm hàng đầu của cả nước, các chính sách an sinh xã hội được ban hành nhiều nhưng còn trải rộng, bộc lộ nhiều khoảng trống. Việc TP HCM có những chương trình mang tính đột phá vừa qua, cần được tổng kết để trở thành sáng kiến luật pháp về Luật Bảo trợ xã hội mà bước đầu hình thành quỹ an sinh xã hội.