Hiện tại, Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã thống nhất tách nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư thành một hiệp định riêng (gọi là Hiệp định Bảo hộ đầu tư – IPA. Đồng thời, hai bên cũng thống nhất toàn bộ quá trình rà soát pháp lý của EVFTA. Trong thời gian tới, EU sẽ dịch EVFTA sang 24 ngôn ngữ của các nước thành viên và trình ra Hội đồng Châu Âu để phê duyệt trước khi ký kết.
"Từ phía Liên minh Châu Âu, chúng tôi luôn ủng hộ Việt Nam thực thi EVFTA nói chung và chương về thương mại và phát triển bền vững nói riêng, thúc đẩy các thực hành tốt hơn về bảo vệ môi trường và quyền con người. Việc thực hiện EVFTA phải đem lại lợi ích cho cả hai bên, cả Liên minh Châu Âu và Việt Nam" - Bà Miriam Garcia-Ferrer, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại (Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam) phát biểu tại hội thảo "Kinh doanh và Quyền Con người trong Quan hệ Thương mại và Chuỗi Cung ứng Toàn cầu tại Việt Nam", sáng 25/7.
Tuy nhiên, các Nghi sỹ Châu Âu cũng có những băn khoăn trước khi EVFTA được trình lên Hội đồng Châu Âu.
Theo ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế (Nghị viện Châu Âu) 3 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đang là mối quan tâm của các Nghị sỹ Châu Âu. Việc Việt Nam đưa ra những cam kết rõ ràng và mang tính ràng buộc sẽ góp phần thuyết phục các nghị sỹ sớm thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).
"Thứ nhất, Nghị viện Châu Âu (EP) trông chờ, kỳ vọng, mong muốn 3 công ước về các chuẩn mực lao động cốt lõi của ILO sẽ được thông qua. Chúng tôi mong muốn có được những cam kết rõ ràng và mang tính ràng buộc về vấn đề này, khi nào thông qua 3 điều đó. Ngoài ra, hai bên cũng phải chuẩn sẵn sàng những biện pháp thực thi, để khi hiệp định được phê chuẩn thì có thể bắt tay vào thực hiện ngay. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, cả 2 khía cạnh trên đều rất quan trọng để thuyết phục một số đồng nghiệp của tôi (Nghị sỹ EP) còn băn khoăn sớm đưa ra quyết định" – ông Bernd Lange nói.
Quan điểm của phía châu Âu là người lao động cần phải được hưởng điều kiện lao động tốt hơn. Đây là sự tái phân bổ lại những lợi ích mà những doanh nghiệp FDI đã hưởng lợi từ việc đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần thông qua 3 công ước của ILO và tạo ra hành làng pháp lý để người lao động được đàm phán về những vấn đề trong thỏa ước lao động.
Đối với doanh nghiệp, các nghị sỹ muốn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) được thực thi đầy đủ, bên cạnh vấn đề bảo vệ quyền của người lao động, bảo vệ môi trường.
Bà Catherine Phuong, Trợ lý Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định, việc bảo vệ các quyền của người lao động là một phần trong Bộ nguyên tắc hướng dẫn về Kinh doanh và Quyền con người (UNGP) do Liên Hợp Quốc đưa ra. Đại diện UNDP cũng cho biết, việc xây dựng một Công ước về Doanh nghiệp và Quyền con người cũng đã được Chính phủ Việt Nam ủng hộ.
Ông Bernd Lange (Nghị viện Châu Âu) chia sẻ rằng, ông rất mong đợi EVFTA được ký kết và phê chuẩn trước khi cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu diễn ra (tháng 5/2019). Hiện tại, các cơ quan đàm phán của Việt Nam và Liên minh Châu Âu đang phấn đấu để có thể ký kết EVFTA vào cuối năm nay, và bắt đầu thực hiện các điều khoản thương mại ngay từ năm 2019.
Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế (Nghị viện Châu Âu)
"Tôi nghĩ các cánh cửa đang rộng mở. Lần trước, khi tôi diện kiến ngài Thủ tướng Việt Nam, hai bên đã có cuộc thảo luận mang tính chất xây dựng. Tôi cũng cảm nhận được tinh thần ấy trong cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tôi cảm thấy lạc quan là chúng ta có thể thực hiện được các cam kết" – Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế (Nghị viện Châu Âu) nói.