Năm 2002, Eiko Hashiba, nữ nhân viên ngân hàng Goldman Sachs chi nhánh Tokyo (Nhật Bản) quyết định nghỉ việc để sinh con. Khi đó cô mới 23 tuổi.
Phải bỏ việc để chăm sóc con nhỏ khiến cô tự hỏi tại sao không có cách nào linh hoạt hơn giúp những người phụ nữ sau khi có con như mình vẫn có thể tiếp tục làm việc.
10 năm sau, câu hỏi đó vẫn còn nguyên trong tâm trí Eiko Hashiba khi cô thành lập nên VisasQ – công ty chuyên cung cấp những lời khuyên và dịch vụ tư vấn giống McKinsey &Co. Điểm khác biệt duy nhất là các chuyên gia tư vấn của VisasQ không làm việc trong văn phòng, họ là những tư vấn viên tự do.
"Tôi có con ở độ tuổi quá sớm trong sự nghiệp và tôi muốn tìm được một công việc nào đó mà mình vẫn có thể tiếp tục làm, dù thế nào đi chăng nữa”, Hashiba, Giám đốc điều hành của VisaQ bộc bạch. Với cô, VisasQ “là một dịch vụ thúc đẩy khả năng làm việc của mỗi người".
Cổ phiếu của VisasQ tăng 94% kể từ khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo vào tháng 3 năm nay. Mức tăng này đã đẩy giá trị thị trường công ty lên 236 triệu USD và biến Hashiba – người nắm giữ 52% cổ phần công ty trở thành triệu phú.
Mọi người đang làm việc trong khắp các lĩnh vực, ngành nghề đều có thể đăng ký làm tư vấn viên tại VisasQ và bằng kinh nghiệm của mình, cung cấp dịch vụ tư vấn cho các khách hàng đang tìm kiếm lời khuyên hữu ích. Hiện, VisasQ có hơn 110.000 người đăng ký làm tư vấn viên.
"Kinh nghiệm của một người vừa chăm con, vừa đi làm của bản thân đã khiến tôi nhận ra rằng sẽ có những cá nhân muốn làm việc như những tư vấn viên độc lập", Hashiba cho hay.
Hashiba là một trong rất ít CEO nữ tại các công ty Nhật Bản. Theo thống kê của Bloomberg trong năm tài chính vừa qua, chỉ 11 trong số 2.076 công ty niêm yết của Nhật Bản có giám đốc điều hành là nữ, tức là chỉ chiếm chưa đầy 1%.
Nữ giám đốc điều hành
Hashiba nhớ lại thời điểm khi mới khởi nghiệp, lãnh đạo các quỹ đầu tư mạo hiểm đã hỏi liệu một người phụ nữ như cô có thể thành công ở vị trí CEO hay không. Họ nói rằng tỷ lệ thành công rất thấp. Chính điều đó đã khiến cô muốn chứng minh rằng suy nghĩ của họ hoàn toàn sai lầm.
Eiko Hashiba gia nhập Goldman Sachs sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo danh giá vào năm 2001. Chỉ một năm sau, cô rời ngân hàng này để sinh và chăm con. Sau đó, cô làm việc tại L’Oreal và quỹ đầu tư Nhật Bản Unison Capital trước khi thành lập nên VisasQ.
Với mục tiêu tăng cường số lượng tư vấn viên của công ty lên hàng triệu người, VisasQ hy vọng có thể tiếp cận lượng người nghỉ hưu đang tăng nhanh ở Nhật Bản. Thống kê của chính phủ Nhật Bản cho thấy, nước này hiện có hơn 36 triệu người từ 65 tuổi trở lên.
Yukio Terakawa, một trưởng bộ phận tại Yanmar Holdings nói rằng ông đã lên kế hoạch làm tư vấn viên tại VisasQ khi nghỉ hưu.
“Tất cả quãng thời gian làm những công việc khó khăn khác nhau với tư cách một người làm công ăn lương không hề vô ích,” ông Terakawa khẳng định. “Tôi muốn tiếp tục làm công việc tư vấn hiện nay bởi nó sẽ giúp tôi vẫn tiếp tục được làm việc và có thêm thu nhập sau khi về hưu".
Giá trị cao
Daichi Mamada, một nhân viên đang làm việc ở tập đoàn Mitsubishi Electrics, đã sử dụng dịch vụ tư vấn của VisasQ để thu thập thông tin về thị trường ngách.
"Giá trị dịch vụ mang lại rất cao. Tôi có thể nhận được nhiều thông tin và kiến thức. Dịch vụ tư vấn của họ cho phép tôi tiếp cận trực tiếp với người tôi không thể. Tư vấn viên cũng chia sẻ nhiều thông tin quan trọng".
Dẫu vậy, nhà đầu tư kỳ cựu Mitsushige Akino, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Ichiyoshi Asset Management, đã lên tiếng cảnh báo về cổ phiếu VisasQ. Ông nói rằng còn quá sớm để xem liệu có nên đầu tư vào cổ phiếu này hay không.
"Doanh nghiệp này cần một chút thời gian nữa để xác định mô hình,” ông Akino nhận định. “Chúng tôi không biết liệu các công ty sử dụng dịch vụ này sẽ thực sự được hưởng lợi từ những lời khuyên mà họ cung cấp hay không. Hiện giờ, mọi người đang mua cổ phiếu với sự hiểu biết rất mơ hồ".
Việc mọi người đổ xô mua cổ phiếu đã khiến giá trị công ty được đẩy lên cao. Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, giá cổ phiếu của VisaQ đang được bán ra cao gấp 420 lần lợi nhuận trên mỗi cổ phần. Công ty này dự đoán doanh thu sẽ tăng 42% lên 1,4 tỷ yên (13,2 triệu USD) trong năm kết thúc vào tháng 2 nhưng lợi nhuận thì có thể sụt giảm vì những khoản đầu tư lớn.
VisasQ đã thành lập chi nhánh tại Singapore vào tháng 4 vừa qua với mục tiêu coi đây là bàn đạp để mở rộng ra toàn cầu. Nữ giám đốc đốc điều hành Hashiba lên kế hoạch kết nối các tư vấn viên có sẵn ở Nhật Bản với các khách hàng nước ngoài, trong khi tăng cường mở rộng đội ngũ tư vấn đến từ những quốc gia châu Á khác.
Cổ phiếu dễ biến động
"Nếu dịch vụ của họ không hiệu quả, khách hàng sẽ rời đi ngay,” ông Akino cho biết. Ông cũng nhận định cổ phiếu của VisaQ dễ gặp biến động trong ngắn hạn, bởi hiện tại hiệu quả dịch vụ mà ông đề cập ở trên còn chưa rõ ràng nên “những ngày này cổ phiếu của họ vẫn được mua ở mức giá quá cao".
Tuy nhiên, cô Hashiba cho biết mình không lo lắng về giá cổ phiếu mà quan tâm tới những phát triển trong dài hạn của công ty hơn.
"Chúng tôi mới chỉ bước những bước đầu tiên trong con đường phát triển của mình. Giấc mơ của tôi là tất cả những người đang làm việc chăm chỉ, kể cả những người dày dặn kinh nghiệm nhưng hiện tại không có việc làm toàn thời gian, đều sẽ trở thành tư vấn viên tại VisasQ".