Do dịch bệnh bùng phát tại một số nhà máy chế biến thịt lợn lớn nhất cả nước và khiến các nhà máy này phải đóng cửa, số lượng những con lợn bị loại ra và không được làm thịt đang ở mức cao nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hàng trăm nghìn con lợn đã quá lứa, và CoBank ước tính chỉ riêng trong quý này khoảng 7 triệu con có thể bị tiêu hủy. Con số đó tương đương khoảng 500.000 tấn thịt lợn không đến được tay người tiêu dùng.
Một số trang trại ở Minnesota thậm chí đang sử dụng những chiếc máy băm gỗ để tiêu hủy những con lợn. Thịt lợn giờ đây được chế biến thành mọi thứ, từ gelatin đến vỏ xúc xích.
Đằng sau sự lãng phí khủng khiếp này là hàng nghìn người nông dân đang bấu víu vào niềm hi vọng rằng những lò mổ sẽ sớm hoạt động trở lại và thu mua lợn trước khi những con lợn bị quá cân. Không ít người đã quyết định cắt lỗ và thu hẹp quy mô đàn lợn.
"Trong lịch sử ngành nông nghiệp, bạn luôn sẵn sàng chuẩn bị cho dịch bệnh, nhưng đó dịch bệnh trên vật nuôi chứ không phải là dịch bệnh trên người như hiện nay", Michael Crusan, người phát ngôn của Ủy ban sức khỏe động vật Minnesota nói. Mỗi ngày có tới 2.000 con lợn bị tiêu hủy và chất thành đống ở hạt Nobles. "Chúng tôi có nhiều lợn bị tiêu hủy đến nỗi đã sử dụng chúng làm phân bón".
Hầu hết các nhà máy chế biến thịt lợn phải đóng cửa vì công nhân nhiễm bệnh đã mở cửa trở lại sau khi Tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh yêu cầu họ mở cửa. Tuy nhiên, ngành này còn lâu mới có thể phục hồi về mức trước đại dịch do các quy định về cách ly xã hội và tình trạng thiếu nhân công.
Kết quả là những quầy thịt trong các cửa hàng thực phẩm trên toàn nước Mỹ trống trơn và giá cả thì tăng vọt. Giá thịt lợn bán buôn ở Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ tháng 4 đến nay. Giá bán lẻ cũng tăng 7,6% trong tháng 4, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 1998.
Chuỗi cung ứng của ngành thịt lợn Mỹ được xây dựng theo tiêu chuẩn "just-in-time", tức là "đúng sản phẩm, với đúng số lượng, tại đúng nơi vào đúng thời điểm cần thiết". Theo tiêu chuẩn này, các luồng nguyên vật liệu, hàng hóa và sản phẩm lưu hành trong quá trình sản xuất và phân phối được lập kế hoạch chi tiết nhất trong từng bước, không có hạng mục nào thừa thãi. Những con lợn đã trưởng thành và có thể giết thịt sẽ được chuyển từ trang trại đến các lò mổ, sau đó chỉ vài ngày một nhóm những con lợn "ít tuổi" hơn sẽ thay thế và quy trình cứ lặp lại như vậy.
Tuy nhiên vì Covid-19 quá trình này bị tắc nghẽn và những con lợn không được chuyển đến lò mổ. Khi 1 con lợn đạt đến cân nặng 150kg, nó trở nên quá to so với các thiết bị trong lò mổ và những miếng thịt được cắt ra cũng không vừa với những chiếc hộp trên dây chuyền.
Những người nông dân hiện có rất ít lựa chọn trong việc tiêu hủy những con lợn. Một số dựng lên những container, bơm khí Co2 vào đó và coi đó là một cách nhẹ nhàng. Những biện pháp khác ít phổ biến hơn như dùng súng bắn hoặc làm chấn thương phần đầu. Ở hạt Nobles, những con lợn được cho là máy băm gỗ - sáng kiến ban đầu được nghĩ ra để đối phó với dịch tả lợn châu Phi.
Tình trạng hiện nay đang biến người nông dân thành nạn nhân cả về tài chính và tinh thần. Quyết định giảm đàn có thể giúp các trang trại sống sót nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất thịt và cả góc nhìn của công chúng về ngành thịt lợn đúng vào thời điểm giá lợn tăng cao và các siêu thị thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.
Tham khảo Bloomberg