Từ đầu năm đến nay, có tới ba lần yêu cầu tăng vốn cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn đặt ra, tại Vietcombank , Agribank , BIDV và VietinBank.
Lần thứ nhất, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành năm 2019. Lần thứ hai, tại đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 4 vừa qua. Lần thứ ba, tại họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tuần qua.
Lần nào yêu cầu này cũng được đánh giá cấp bách. Và đây đã là năm thứ tư khó khăn và vướng mắc liên quan chưa được xử lý.
Cấp bách nhưng không bí bách
Câu chuyện tăng vốn tại nhóm “big 4” ngân hàng trên bắt đầu đặt ra căng thẳng từ năm 2016, khi Bộ Tài chính từ chối kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và yêu cầu phải trả bằng tiền mặt về nộp ngân sách.
Từ đó đến nay, đã sang năm thứ tư, chỉ riêng Vietcombank tăng được vốn điều lệ, qua thực hiện được phương án cổ phiếu thưởng, rồi bán được 3% phát hành thêm riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2018.
Còn lại, BIDV, VietinBank và Agribank vốn điều lệ không tăng nổi. Trong đó, VietinBank và Agribank khó khăn nhất; một tình thế đã dùng hết các giới hạn cho phép để phát hành riêng lẻ tăng vốn, một tình thế thì chưa cổ phần hóa và phụ thuộc hoàn toàn vào vốn ngân sách cấp.
Trong ba lần đặt ra yêu cầu nói trên, tính chất cấp bách chủ yếu được lý giải ở yêu cầu đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, tập trung ở hệ số an toàn vốn (CAR). CAR tại những thành viên này hiện chỉ trên 9% - mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng khó đáp ứng được khi thực hiện Basel 2 (bắt đầu áp dụng từ 01/01/2020, tức còn chưa đầy tám tháng nữa).
Mặt khác, do CAR hạn chế nên sức nâng tín dụng tại đây không cao, trong khi họ nắm thị phần lớn, mà tăng trưởng GDP vẫn phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy tín dụng.
Dù được đánh giá ở mức độ cấp bách, nhưng thực tế không hẳn hoàn toàn bí bách ở nhóm ngân hàng thương mại này.
Trước hết, tại Vietcombank, sau khi tăng được vốn trong 2017 và 2018, tỷ lệ sở hữu nhà nước vẫn ở mức cao, tạo điều kiện để tiếp tục có cơ sở tăng vốn điều lệ qua giảm dần tỷ lệ sở hữu nhà nước về giới hạn 65%. Thực tế, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vừa qua, Vietcombank đã lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ, trong đó tiếp tục có hướng chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tương tự, tại BIDV, tỷ lệ sở hữu nhà nước đang quá lớn (95,28%) cùng “room” sở hữu nhà đầu tư nước ngoài gần như còn nguyên để có cơ sở tăng vốn, qua phát hành thêm riêng lẻ. Thực tế, BIDV cũng đang trong quá trình chào bán cho KEB Hana Bank với tỷ lệ dự kiến 17,65%.
Cả Vietcombank và BIDV vẫn còn điều kiện và cơ sở để tự tăng vốn điều lệ. Còn lại là tính khả thi và mức độ thành công của các kế hoạch chào bán trên.
Khó khăn chủ yếu nằm ở VietinBank và Agribank, như trên. Nhưng, chính khó khăn trong tăng vốn lại không hẳn bí bách, mà đã dồn đẩy thêm hiệu quả tái cơ cấu và tự xoay xở.
“Nghịch lý cần thiết”
Tăng vốn để tạo thêm điều kiện tăng trưởng, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh. Nhưng, nhìn lại, chính trong bốn năm qua, chính giai đoạn khó tăng vốn nhất thì “big 4” lại đang cho thấy hiệu quả hoạt động tốt lên.
Đầu tàu Vietcombank đã bứt phá hẳn trong năm 2018, liên tiếp tạo các kỷ lục lợi nhuận mới và đặc biệt nợ xấu được xử lý đến mức có tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu lên tới 170%.
Hiệu quả đó có từ yêu cầu phải xoay chuyển. Khi mà tín dụng không có đòn vốn điều lệ tăng cao để bẩy các mức tăng trưởng cỡ 20-25% như trước đây, Vietcombank phải xoay trục sang mạnh hơn về thu dịch vụ, sang bán lẻ và đầu tư vốn.
Tương tự, vốn điều lệ không tăng để kích mạnh tín dụng như trước, cả Agribank, BIDV và VietinBank đều phải tự tái cơ cấu hoạt động, xử lý các tài sản không hoặc kém sinh lời, dịch chuyển mạnh sang dịch vụ và bán lẻ…
Và kết quả, điển hình như tại Agribank, dù sau nhiều năm không tăng được vốn nhưng chính 2018 họ tạo được kỷ lục lợi nhuận 7.525 tỷ đồng. “Nghịch lý” này càng nổi bật hơn, khi có vốn điều lệ thấp nhất trong “big 4”, nhưng 2019 Agribank tiếp tục có mục tiêu gia tăng lợi nhuận lên tới 10.000 tỷ đồng, theo thông tin cập nhật gần đây.
Hay tại VietinBank, sau lát cắt mạnh quý 4/2018 và tiếp tục giảm ở các chỉ tiêu lớn như tổng tài sản, dư nợ trong quý 1/2019, lợi nhuận đã trở lại tăng trưởng trong quý đầu năm nay, theo cam kết sẽ có một năm tăng trưởng mạnh mẽ mà lãnh đạo ngân hàng này đưa ra tại phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường cuối 2018.
Hiện tại, với thông tin cập nhật từ đại diện Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua, đề xuất được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn cho nhóm ngân hàng trên vẫn đang chờ ý kiến các bộ, ngành…
Nhưng nhìn lại cả quá trình trên, quãng bốn năm gần như không tăng được vốn có thể xem là một chặng nghỉ “nghịch lý cần thiết”, để họ thúc đẩy hơn quá trình tự tái cơ cấu, tự xoay xở điều chỉnh các hoạt động, và như trên nhìn chung hiệu quả theo đó đang được nâng lên.