Một doanh nghiệp trong Hiệp hội cao su Việt Nam thừa nhận: Sở dĩ chúng ta phải nhập khẩu cao su nguyên liệu, là vì sản xuất trong nước chất lượng không cao. Chỉ khoảng 20% sản lượng cao su trong nước được cung cấp cho các cơ sở dệt găng tay, sợi thun... Chất lượng cao su nguyên liệu của ta kém vì kỹ thuật lạc hậu, thế giới quay lưng, nên đành xuất thô, dù rằng chất lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam xưa nay vẫn được quốc tế đánh giá cao.
Xuất cao su thô sang nước ngoài, giá thấp, nhập cao su tổng hợp làm nguyên liệu từ nước ngoài về, tất nhiên giá sẽ cao hơn nhiều. Như vậy thực trạng ngành sản xuất nguyên liệu thô đến thành phẩm của ngành cao su nước ta có yếu tố nào chưa phù hợp? Một chuyên gia cho biết: Muốn sản xuất cao su tổng hợp, ngành hóa dầu trong nước phải thực sự phát triển. Thông thường các năm, trung bình, nhu cầu tiêu thụ cao su tổng hợp trong nước chỉ khoảng 100-200.000 tấn/năm. Trong khi đó, kinh phí để đầu tư một nhà máy sản xuất không hề nhỏ. Khi đã xây dựng nhà máy thì phải đảm bảo sản xuất một sản lượng nhất định chứ không thể chỉ sản xuất đủ nhu cầu tiêu thụ. Vì vậy, hiện tại, để các DN tự cân đối cung-cầu nhập khẩu lượng cao su tổng hợp là cách giải quyết phù hợp.
Hai ý kiến đối nghịch trên cho thấy rõ ràng có sự nghịch lý trong phương thức điều hành chung giữa nhu cầu cung và cầu của ngành sản xuất cao su nước ta hiện nay. Hay nói chính xác bản chất sự việc là ngành cao su Việt Nam đang“mạnh ai nấy làm”. Với khối lượng nguyên liệu thô dồi dào, tại sao ngành cao su bao nhiêu năm không nghĩ đến việc đầu tư xây dựng những nhà máy chế biến từ cao su thiên nhiên thành cao su nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế để cung cấp trong nước, mà còn có thể xuất khẩu. Làm như vậy, chúng ta sẽ nâng cao giá trị của cao su thiên nhiên tránh bị động vào sự thất thường của thị trường nước ngoài, trong đó, Trung Quốc đang chiếm thị phần xuất và nhập khẩu lớn.