16 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 15%
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay đã có 52/53 bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2020. Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án. Hiện có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn với tổng số tiền là 6.338 tỷ đồng. Trong khi đó theo báo cáo của Bộ Tài chính còn 29 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 15 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khó khăn lớn nhất là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù. Đơn cử, vướng mắc chủ yếu của dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020 là ở công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án thành phần. Công tác này thuộc trách nhiệm của các địa phương khi dự án đi qua 13 tỉnh, thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ nỗ lực phấn đấu cả năm 2020 giải ngân đạt trên 95%. Để thực hiện được kết quả này, thành phố rà soát tiến độ thực hiện giải ngân từng dự án, điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy, khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
“Sờ đến người đứng đầu thì mới chuyển biến”
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo của 31 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, đặc biệt là các địa phương và bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân những tháng cuối năm. “Tinh thần là phải giải ngân hết số vốn còn lại, nếu bộ ngành, địa phương nào không làm việc đó thì cương quyết có chế tài kèm theo để xử lý đến nơi đến chốn. Không thể nói mà không làm, không thể có tiền mà không tiêu được do sự chủ quan, việc tổ chức thực hiện kém”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền để tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức, cá nhân nào làm chậm, vi phạm thì phải kỷ luật nghiêm. “Cái này thành một chế tài quan trọng, nếu chúng ta sờ đến vai trò cá nhân của người đứng đầu thì mới chuyển biến được, còn nói chung chung khó lắm”, Thủ tướng nói và đồng ý việc thành lập tổ công tác do lãnh đạo có thẩm quyền của địa phương, của ngành trực tiếp xử lý giải quyết đối với các dự án quan trọng. Các địa phương tổ chức giao ban, đôn đốc, thảo luận quyết sách cụ thể cho từng dự án ở địa phương.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tham nhũng, tiêu cực; không thể để xảy ra tình trạng thanh toán khối lượng khống, làm xấu, làm ẩu, để có khối lượng mà bỏ qua yêu cầu kỹ thuật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND thành phố Hà Nội cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2020. Tuy nhiên, ông kiến nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính sớm hướng dẫn về giải phóng mặt bằng theo hướng rút gọn; Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí vay vốn nước ngoài theo điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tuyến đường sắt số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo để sớm thực hiện thủ tục điều chỉnh, phê duyệt tổng mức đầu tư.