Tình trạng giá lợn hơi giảm xuống mức kỷ lục nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao, quyền lợi của người nông dân bị ảnh hưởng đang là vấn đề nóng. Trong giờ nghỉ giải lao tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV về hành động và giải pháp của Bộ trong thời gian tới:
PV: Thưa ông, câu chuyện giá thịt lợn là mối quan tâm của người chăn nuôi và người dân trong những ngày qua. Chiều qua, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã chủ trì cuộc họp về nội dung này. Về phía Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ có những hành động cụ thể gì để khắc phục tình trạng này?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trước mắt giao cho cơ quan chuyên môn để thống kê chính xác số lượng lợn tồn kho còn lại ở trong các chuồng và phân theo các độ tuổi vì chúng ta chưa biết có bao nhiêu con chưa tiêu thụ, quá lứa là bao nhiêu, đến thời điểm xuất chuồng là bao nhiêu... Khi có cái nhìn cụ thể, có số liệu tương đối chính xác, chúng ta mới so sánh với nhu cầu hàng tháng để tiên lượng, khớp nối số lượng cung với số lượng cầu là bao nhiêu, sau đó chúng ta sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ trong vấn đề tái đàn là như thế nào.
PV: Có thực tế là giá thịt lợn xuất chuồng giảm trong khi đó giá thị trường lại tăng cao. Người nông dân luôn phải chịu thiệt thòi. Vẫn biết vấn đề này phải vận hành theo cơ chế thị trường nhưng Nhà nước phải can thiệp. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn có đề xuất giải pháp cho vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngay cả châu Âu cũng lo ngại sụp đổ ngành chăn nuôi: cầu giảm nhưng cung không giảm, giá thức ăn đầu vào tăng cao, là vấn đề (ngành nông nghiệp) cả thế giới đang đối mặt, không riêng gì chúng ta. Tất nhiên, chúng ta phải có trách nhiệm với người chăn nuôi của mình. Trong ngắn hạn, để đối phó với đợt giảm sâu như thế này, chúng ta cũng hy vọng các chợ đầu mối ở các đô thị lớn, như thành phố Hồ Chí Minh, khi mở cửa trở lại sẽ kích đầu cầu lên. Giá mấy ngày hôm nay cũng bắt đầu nhích lên rồi nhưng cũng chưa tương xứng với chi phí của bà con, nhưng cũng đã có tín hiệu ban đầu.
Ngày thứ hai này Bộ NN-PTNT có hội nghị gặp mặt với các chuỗi ngành hàng về thịt lợn, từ các doanh nghiệp FDI, chiếm thị phần lớn với các trang trại ở các tỉnh trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, để kích hoạt các cơ sở giết mổ hoạt động. Sau một thời gian do giãn cách xã hội, do quy định 3 tại chỗ, 1 số cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn bị ngưng trệ.
Bộ sẽ đánh giá lại để làm sao chúng ta khơi thông tất cá các quy trình trong chuỗi. Khi khơi thông được chuỗi, cộng với Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về phục hồi kinh tế, tạo điều kiện thông suốt trong khâu vận chuyển thì giá sẽ lên. Tất nhiên không trở lại ngay trạng thái bình thường như chúng ta mong muốn, nhưng qua đó Bộ Nông nghiệp cũng sẽ có tầm nhìn dài hơn. Các con số thống kê phải được rõ ràng theo từng cấp độ chứ không phải ước lượng. Khi đó chúng ta nhìn bức tranh rõ hơn, Bộ sẽ thông tin tới các kênh phân phối, tiêu thụ để chuỗi sao cho thông suốt.
PV: Không chỉ trong bối cảnh dịch mà trong điều kiện bình thường, người nông dân họ vẫn chịu thiệt thòi nhiều hơn so với doanh nghiệp và các khâu trung gian. Vậy thì để bảo vệ quyền lợi của người nông dân, Bộ NN-PTNT sẽ có giải pháp như thế nào?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trước tiên, Bộ NN-PTNT cũng muốn đưa ra thông điệp rằng: Chính bà con làm chăn nuôi cũng phải là người tự bảo vệ mình. Bà con phải tham gia vào một hình thức hợp tác, chứ nếu từng hộ nuôi riêng lẻ thì ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng khó tiếp cận. Khi bà con vô hợp tác xã, mình mua chung nguyên liệu đầu vào, thì chi phí sẽ giảm xuống. Bộ NN-PTNT cũng sẽ đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học chẳng hạn, phòng ngừa dịch bệnh đỡ rủi ro trong chăn nuôi, giảm chi phí trong khâu nuôi.
Bài toán thị trường là chi phí phải giảm trong điều kiện giá nguyên liệu tăng lên, thì một số nơi đã xuất hiện mô hình bà con tận dụng phế phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp để thay thế phần nào, cũng là cách để giảm áp lực do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Và khi có hình thức tham gia hợp tác, ngành nông nghiệp sẽ nắm được thông tin, có thể tích hợp số liệu, tiếp cận độ chính xác hàng tuần, hàng tháng về nhu cầu của thị trường cũng như khả năng đầu cung, từ đó đầu cung khớp với đầu cầu, và chuyển thông tin đó tới nhà phân phối thì giảm rủi ro hơn.
Bài toán nông nghiệp, nhất là ngành chăn nuôi là bài toán khó, nhưng nếu bà con đăng ký vào một hình thức hợp tác, khi mình nuôi, mình thả chuồng cũng thông tin, để chính quyền, ngành chuyên môn có những thông tin đó, nắm được quy mô nguồn cung để có giải pháp, chứ nếu bà con nuôi tự phát, nhỏ lẻ cũng rất khó. Cũng có thể do tính tự phát đó làm cho thị trường không rõ ràng, thông tin mù mờ, kể cả đầu cung và đầu cầu, mà hai đầu cung - cầu này không khớp nhau thì sẽ tạo ra áp lực trong giai đoạn ngắn hạn.
PV: Xin cảm ơn ông./.