"Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường chứng khoán thế này?" Đó là câu hỏi mà Neil Irwin – phóng viên kinh tế kỳ cựu của tờ New York Times, tác giả cuốn sách "How to Win in a Winner-Take-All World" đặt ra để mở đầu cho bài báo mới đây, viết về 1 nghịch lý đang xảy ra trên TTCK Mỹ.
Những ngày này, bao trùm nước Mỹ là sự chết chóc và nỗi tuyệt vọng. Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 2 tuần gần nhất tăng vọt, lên cao gấp 10 lần so với kỷ lục trước đó. Một loạt các doanh nghiệp phải đóng cửa vĩnh viễn. Có lẽ trong quý II này, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ co cụm ở mức độ tương đương với thời kỳ Đại Khủng hoảng.
Thế nhưng đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (9/4), S&P 500 đã tăng 25% so với mức đáy lập hôm 23/3. Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số này chỉ giảm tổng cộng 14%, thậm chí vẫn cao hơn so với thời điểm cách đây 11 tháng. Bài viết này sẽ cố gắng đưa ra một số lý do giải thích tại sao lại có sự đối lập quá lớn giữa 1 bên là nền kinh tế đang rơi tự do và 1 bên là TTCK "vẫn đang ổn".
Ở đây tồn tại 2 lực đẩy lớn ngược chiều nhau. Một mặt, hoạt động thương mại bị đứt gãy, xáo trộn ở mức độ mà chỉ cách đây vài tuần sẽ không ai có thể tưởng tượng ra. Nhưng đồng thời, các nhà đầu tư chứng khoán đang đặt cược rằng những động thái can thiệp từ Washington – trong đó có việc Fed vừa tung ra gói tín dụng 2.300 tỷ USD – sẽ đủ mạnh để các công ty lớn nhất của Mỹ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay mà lợi nhuận dài hạn không hề xuy xuyển.
Trong "trận chiến" giữa bức tranh kinh tế vĩ mô đang dần đổ sụp và "cỗ máy in tiền" đang hoạt động hết công suất của chính phủ liên bang, vế thứ hai đang thắng thế, ít nhất là trên TTCK.
Nhưng theo như Gene Goldman, CIO của quỹ Cetera Investment Management, điều trớ trêu là những con số gây sốc về lượng người thất nghiệp lại được thị trường nhìn nhận là 1 yếu tố tích cực, vì sẽ gây thêm áp lực chính trị buộc Quốc hội Mỹ phải mở rộng quy mô chương trình giải cứu kinh tế, không dừng lại ở con số 2.000 tỷ USD đã được phê duyệt.
Những ông lớn nằm trong các chỉ số chứng khoán chính trên phố Wall sẽ dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn mới, đặc biệt sau khi những động thái mới nhất của Fed là để tăng cường cho vay đối với doanh nghiệp. So với các công ty nhỏ, không niêm yết thì họ sẽ thích nghi tốt hơn, vượt qua cơn bão kinh tế này với lợi nhuận và thị phần càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Theo FactSet, nhìn chung thì giới phân tích cũng có dự báo khá lạc quan về bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp. Họ dự báo lợi nhuận năm 2020 của các công ty trong S&P 500 sẽ chỉ giảm 8,5%, thậm chí doanh thu chỉ giảm 0,1%.
Sau đó phải kể đến những yếu tố kỹ thuật.
Một vài trong số những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong đợt hồi phục lần này chính là những công ty bị ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19, ví dụ như các công ty kinh doanh du thuyền, chuỗi khách sạn và các hang hàng không. Điều này khiến chúng ta nghĩ đến tình trạng bán non (short squeeze), tức là giá cổ phiếu hồi phục dù ít nhưng lại buộc một lượng lớn các nhà đầu tư đã bán khống những cổ phiếu này phải đóng vị thế, do đó cuối cùng lại tạo nên đà tăng mạnh.
Bên cạnh đó là việc Nga và Saudi Arabia nhất trí giảm sản lượng khai thác, giúp giá dầu hồi phục – điều tốt lành đối với các cổ phiếu dầu mỏ đã bị bán tống bán tháo vì giá dầu lao dốc mạnh nhất kể từ những năm 1970 trong thời gian qua.
Cuối cùng, dòng tiền ồ ạt (gồm cả từ người gửi tiền tiết kiệm nhỏ lẻ và Fed) chảy vào các khoản đầu tư an toàn khiến lãi suất dài hạn vốn đã thấp lại giảm sâu hơn nữa. Điều đó khiến các cổ đông cảm thấy dù triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai có yếu ớt hoặc thậm chí bị đe dọa thì đầu tư cổ phiếu vẫn là 1 lựa chọn hấp dẫn hơn.
Nhưng Neil Irwin cảnh báo những lý do kể trên không tốt đẹp gì, và do đó nghịch lý hiện nay sẽ không kéo dài lâu.
Giá cổ phiếu luôn luôn được xác định dựa trên kỳ vọng về thế giới trong tương lai, chứ không phải ở thời điểm hiện tại. Trong khủng hoảng tài chính 2008, thị trường lập đáy vào tháng 3/200, dù đến tận tháng 7 năm đó nền kinh tế mới bắt đầu tăng trưởng trở lại, và tỷ lệ thất nghiệp lên đến đỉnh điểm vào tháng 10.
Nhưng xét trên tình hình hiện tại thì có vẻ như nhà đầu tư đang trông chờ vào 1 cú hồi phục quá sớm và quá nhanh. "Nếu thực sự có thể khôi phục lại trạng thái bình thường trong vòng 3-6 tháng kể từ thời điểm chúng ta "ngắt mạch" nền kinh tế thì thị trường đã tính toán đúng. Nhưng hoàn toàn có thể khả năng dịch bệnh không hề thuyên giảm, khiến chúng ta mắc kẹt trong tình trạng này 3-4 quý, thì đó là điều thị trường không hề nghĩ tới", Jim Paulsen – chiến lược gia trưởng tại Leuthold Group nói.
Nhìn vào mức định giá hiện tại thì thị trường đang đặt cược rằng làn sóng thất bại, phá sản liên tiếp trên diện rộng, quy mô toàn cầu sẽ không xảy ra. Việc hàng triệu người mất việc và bị giảm thu nhập sẽ không gây nên tình trạng doanh nghiệp ồ ạt đóng cửa. Cuộc khủng hoảng y tế này sẽ sớm chấm dứt, và người dân Mỹ sẽ sớm có việc làm trở lại để vung tiền mua sắm.
Nên nhớ rằng trong cuộc khủng hoảng này mọi chuyện đều diễn ra nhanh đến mức khó tin. Nền kinh tế Mỹ chỉ mất vài tuần để đi từ chỗ tràn đầy sức sống đến bờ vực suy thoái. Thị trường tài chính đang quá tự tin khi cho rằng vài nghìn tỷ USD từ Bộ Tài chính Mỹ và Fed có thể chặn đứng những thiệt hại do virus gây ra.
"Trong những giai đoạn căng thẳng, thị trường sẽ khá thất thường", Jason Pride, CIO của Glemede nhận định. "Những gì đang diễn ra giống như chúng ta đi từ chỗ cảm thấy như "trời đang sập" trong suốt tháng 3 và đến đầu tháng 4 lại nhìn thấy ánh sáng le lói ở cuối đường hầm".
Nói cách khác, trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay thì chỉ có thể hi vọng rằng các nhà đầu tư biết được điều gì đó mà hàng triệu người đang khốn khổ vì "cơn bão Covid19" gây ra không hề biết.