Cụ thể, diện tích cà phê Việt Nam đã chiếm 645.000ha, sản lượng đạt 1,6 triệu tấn (năm 2016), trở thành nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới (sau brazil). Năng suất cà phê của Việt Nam trung bình đạt 2,5 tấn nhân khô/ha, cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê bình quân của thế giới. Tuy nhiên, giá trị và thương hiệu của ngành cà phê nước ta lại rất thấp.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thăm vườn cà phê ở Lâm Đồng.
Là nước đứng thứ hai thế giới về loại nông sản này nhưng Việt Nam lại phụ thuộc vào giá cả của thế giới nên ngành sản xuất cà phê trong nước cơ bản vẫn bấp bênh, chưa thực sự ổn định. Chỉ 10% sản lượng cà phê của nước ta dùng để chế biến sâu tại thị trường trong nước, 90% còn lại là xuất khẩu thô ra thị trường thế giới nên không xây dựng được thương hiệu. Điều này giống như người trồng cà phê Việt Nam chỉ là làm công ăn lương cho thị trường cà phê nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, một trong những nguyên nhân lớn khiến Việt Nam không làm chủ được giá cả cà phê vì từ khâu tổ chức sản xuất, đến khâu chế biến và thương mại ở trong nước rất yếu.
Người làm cà phê Việt Nam giống như người làm công ăn lương cho thị trường cà phê nước ngoài
Bên cạnh đó, việc liên kết chuỗi tổ chức áp dụng biện pháp khoa học vào sản xuất chưa tốt, diện tích cà phê già cỗi được phục tráng, ghép cành chậm, người trồng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV… đặc biệt là sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý…. Tất cả đã dẫn đến chi phí sản xuất cà phê cao, chất lượng chưa đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành cà phê và lợi nhuận khi làm ra.
Theo Bộ NN&PTNT, định hướng đến năm 2030, Việt Nam có chủ trương không tăng diện tích, thậm chí phải giảm diện tích cà phê ở những nơi không có lợi thế. Tập trung chế biến sâu, đẩy mạnh liên kết để phát triển thương mại nhằm tăng giá trị ngành cà phê Việt Nam.