Lợi nhuận rất quan trọng đối với sự phát triển của bất kỳ công ty nào, nhưng một số tên tuổi lớn trong mảng kinh doanh hiện nay vẫn chưa kiếm được lợi nhuận.
Các công ty niêm yết đại chúng như nhà sản xuất ô tô điện Tesla và hãng âm nhạc Spotify thậm chí vẫn đang lỗ hàng tỷ USD.
Tương tự như vậy, công ty Uber lỗ 4,5 tỷ USD trong năm ngoái, nhưng đang hướng tới mục tiêu IPO trong năm tới.
Các nhà đầu tư không hề lảng tránh các công ty thua lỗ. Trên thực tế, tỷ lệ các công ty báo cáo lỗ trước khi ra công chúng tại Mỹ đang là cao nhất kể từ thời kỳ bong bóng dotcom diễn ra vào năm 2000.
Năm ngoái, 76% các công ty niêm yết không có lợi nhuận trong năm trước khi IPO, theo dữ liệu được biên soạn bởi Jay Ritter, một giáo sư tại Đại học Kinh doanh Warrington trực thuộc Đại học Florida.
Con số này thấp hơn con số 81% được ghi nhận vào năm 2000, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 4 thập kỷ gần đây là 38%.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghệ là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào các công ty thua lỗ, vì nhiều cổ đông coi trọng tốc độ tăng trưởng và có xu hướng thoải mái hơn ngay cả khi các công ty không tạo ra lợi nhuận khổng lồ.
Dữ liệu của Ritter cho thấy rằng trong số các công ty đã trở thành công ty đại chúng trong năm ngoái, chỉ 17% các công ty công nghệ có lợi nhuận so với tỷ lệ 43% trong nhóm các công ty phi công nghệ.
Sự lớn mạnh của công ty công nghệ khổng lồ Amazon cho thấy rằng: các nhà đầu tư đang quan tâm đến một mô hình kinh doanh mới.
Mặc dù không có mức lợi nhuận cao, Amazon hiện là công ty có giá trị lớn thứ hai trên thế giới theo giá trị thị trường. Điều đó đã khiến người sáng lập Jeff Bezos trở thành người giàu nhất trong lịch sử hiện đại, với giá trị tài sản ròng hơn 150 tỷ USD.
Các nhà đầu tư yêu thích cổ phiếu của Amazon, nhưng tổng lợi nhuận của công ty trong hai thập kỷ qua rất mờ nhạt khi so sánh với các công ty có giá trị cao khác ở Mỹ.
Theo dữ liệu của Thomson Reuters, lợi nhuận của Amazon trong 20 năm qua tổng cộng chưa tới 8 tỷ USD trong khi Apple ghi nhận mức lợi nhuận khoảng 327 tỷ USD trong cùng thời gian, và Facebook kiếm được 37 tỷ USD trong thập kỷ qua.
Trên thực tế, sự hưng phấn của thị trường đối với cái gọi là "các công ty tăng trưởng" đã làm cho nhà quản lý quỹ đầu tư tỷ phú David Einhorn đặt câu hỏi liệu các nguyên tắc đầu tư cổ điển ông đang áp dụng có còn đúng ở thời điểm hiện tại hay không.
Trong một lưu ý gửi nhà đầu tư vào năm ngoái, Einhorn đã lấy ví dụ những khoản đặt cược của ông chống lại Tesla và Amazon, và viết rằng thị trường đang ở trong trạng thái "rất khó khăn cho chiến lược đầu tư giá trị, vì cổ phiếu tăng trưởng tiếp tục vượt trội so với cổ phiếu giá trị."
"Nếu giá trị của cổ phiếu không có gì liên quan đến lợi nhuận ở thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai và thay vào đó là khả năng tạo ra những đột phá, thay đổi xã hội, hoặc nâng cao công nghệ mới, ngay cả khi làm như vậy sẽ gây tổn thất về kinh tế ngay ở hiện tại và tương lai?"
Nhưng cũng có một số dấu hiệu cho thấy cuộc săn lùng tăng trưởng đang chững lại.
Công ty chia sẻ xe đạp Trung Quốc Ofo, đã huy động được 1 tỷ USD vốn, đã thông báo họ đang thu hẹp hoạt động hoặc rút khỏi các nước như Úc và Ấn Độ để tập trung vào thúc đẩy lợi nhuận.
Trong khi đó, một chương trình vốn mạo hiểm được gọi là Indie.vc - thuộc sở hữu của công ty VC O'Reilly AlphaTech Ventures - giờ đây tập trung vào khả năng sinh lời khi quyết định đầu tư vào công ty nào. Điều này không giống như nhiều công ty đầu tư mạo hiểm thường đặt trọng tâm vào tăng trưởng và dựa vào một vài lối thoát có khả năng sinh lời.
"Các doanh nghiệp thực sự làm ra sản phẩm và bán chúng để thu về lợi nhuận. Họ tập trung vào khách hàng, doanh thu và lợi nhuận chứ không phải nhà đầu tư, mức định giá và mốc gọi vốn tiếp theo. Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp thực sự mới là những khoản đầu tư thực sự tuyệt vời", trang web của Indie.vc viết.