Gần nửa tỉ người ở châu Á - Thái Bình Dương đang sống trong cảnh thiếu ăn bất chấp khu vực này có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh.
Đó là con số u ám được đưa ra trong một báo cáo mới của 4 cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 2-11, gồm Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo báo cáo, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỉ lệ đô thị hóa cao nhất thế giới nhưng cũng là nơi sinh sống của khoảng 486 triệu người suy dinh dưỡng. Nếu tính trên phạm vi toàn cầu thì con số này là 821 triệu người.
"Nỗ lực giảm suy dinh dưỡng đã chậm lại đáng kể. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người dân ở nông thôn chuyển đến thành thị sinh sống, nhiều nước đang đối mặt vấn đề thiếu ăn ở thành thị" - theo tuyên bố chung của lãnh đạo 4 cơ quan nói trên. Ngay cả tại những thành phố khá giả, như Bangkok - Thái Lan hoặc thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia, các gia đình nghèo không đủ tiền cho con ăn uống đầy đủ, để lại hậu quả lâu dài đối với sức khỏe các em.
Gần nửa tỉ người ở châu Á - Thái Bình Dương đang thiếu ăn, bao gồm nhiều trẻ em Ảnh: AP
Ở chiều ngược lại, theo Reuters, hơn 1/8 người trưởng thành trên thế giới đang bị béo phì. Đáng chú ý, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỉ lệ trẻ em béo phì tăng nhanh nhất, được thúc đẩy bởi những loại đồ ăn chế biến sẵn có nhiều muối, chất béo và đường.
Đô thị hóa nhanh chóng được xem là yếu tố then chốt trong sự gia tăng của cả tình trạng suy dinh dưỡng và béo phì tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong số này, 2 quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc và Ấn Độ - sẽ chứng kiến có thêm 690 triệu người sinh sống tại các thành phố vào năm 2050.
Đô thị hóa thường được xem là dấu hiệu của sự thay đổi về xã hội và kinh tế, được gắn liền với các tiêu chuẩn sống cao hơn, như sức khỏe và chế độ dinh dưỡng tốt hơn. "Tuy nhiên, nếu không được quản lý tốt, đô thị hóa nhanh chóng có thể khiến các hệ thống thực phẩm bị rối loạn, gây ra béo phì lẫn suy dinh dưỡng ở cùng một thành phố hoặc thậm chí là cùng hộ gia đình" - báo cáo mới nói trên nhận định.
Sự gia tăng số lượng người sống trong các khu ổ chuột khiến tình hình thêm khó khăn. Theo thống kê, hiện có khoảng 1/3 cư dân đô thị sống bên trong các khu ổ chuột và không được tiếp cận đầy đủ phúc lợi, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng và sinh kế của họ. Những vấn đề khác ảnh hưởng đến an ninh lương thực là thảm họa liên quan đến khí hậu, thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém.
Theo báo cáo, bài toán suy dinh dưỡng sẽ tiếp tục nan giải nếu việc hoạch định đô thị không mang tính "bao trùm, bền vững và chú ý đến vấn đề dinh dưỡng". Ngoài ra, việc soạn thảo chính sách thực phẩm đô thị tại khu vực cần tính đến những yếu tố như giao thông, hạ tầng, nhà cửa, giáo dục, nước và vệ sinh nếu muốn giải được bài toán trên.
"Thế giới không thể đáp ứng mục tiêu xóa đói vào năm 2030 nếu châu Á - Thái Bình Dương không dẫn đầu nỗ lực này" - các tổ chức trên nhắc nhở. Một báo cáo trước đó của LHQ nhận định tình trạng thiếu ăn trên thế giới đã tăng trong năm thứ 3 liên tiếp do xung đột và biến đổi khí hậu, đe dọa đến mục tiêu chấm dứt nghèo đói vào năm 2030.
Ám ảnh bé gái Yemen
Bé gái Amal Hussain trong tấm hình ám ảnh và gây chấn động về nạn đói ở Yemen đã qua đời hôm 1-11 sau khi xuất hiện trên Báo The New York Times (Mỹ) tuần rồi. Người thân của bé gái 7 tuổi cho tờ báo biết em đã tử vong vì suy dinh dưỡng tại một trại tị nạn ở miền Bắc Yemen.
Bé gái Amal Hussain trước khi mất. Ảnh: New York Times
Kể từ khi số phận của Amal được giới truyền thông nói đến, đã có nhiều thông điệp động viên và đề nghị giúp đỡ nhưng đều quá muộn. Bà Mariam Ali, mẹ của bé, nói rằng tim mình tan nát khi chứng kiến Amal ra đi và bà còn lo sợ cho tình cảnh của những đứa con còn lại.
Bé Amal chỉ là một trong số hơn 7 triệu trẻ em Yemen bị thiếu ăn nghiêm trọng, theo cảnh báo của UNICEF và ngay cả khi cuộc chiến ở quốc gia này khép lại cũng không cứu được mọi đứa trẻ đáng thương này. Ông Geert Cappelaere, Giám đốc khu vực Trung Đông - Bắc Phi của UNICEF, cho biết hiện có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Yemen bị suy dinh dưỡng cấp tính và 400.000 em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.