Hậu quả của việc không có đầu ra là tình trạng bị tư thương ép giá, người nông dân phải phá vườn, bỏ trống chuồng… Mỗi năm, lại có hàng chục cuộc kêu gọi giải cứu nông sản, từ dưa hấu, chuối, gừng… và mới đây nhất là cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn.
Nguyên nhân ai cũng hiểu là do yếu kém ở khâu kết nối cung – cầu, nhưng giải pháp để khắc phục tình trạng này, giúp nông sản Việt không bị thua trên chính thị trường nội địa lại chưa phát huy hiệu quả.
Sản phẩm muốn vào được siêu thị phải có đủ các thủ tục giấy tờ, nhưng người sản xuất lại lúng túng khi thực hiện.
Tại Hội nghị “Giao thương, kết nối cung-cầu giữa các địa phương, nhà sản xuất với các doanh nghiệp phân phối nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội” do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 22-12, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Kết nối cung-cầu, thực phẩm an toàn là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay. Hiện, cả nước có khoảng 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh, TP trên cả nước, với sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại… Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu dùng, nông sản, thực phẩm an toàn vẫn chưa đa dạng về chủng loại, còn thiếu các địa chỉ cung ứng khiến người tiêu dùng chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận”.
Còn ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP An Việt lại cho rằng, rào cản đầu tiên chính là các đơn vị sản xuất tại địa phương đang thiếu giấy tờ cần thiết, muốn đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng hiện đại, sản phẩm phải có đầy đủ giấy tờ cần thiết.
Trong quá trình làm việc, khi DN tiếp xúc với các hộ sản xuất, thậm chí có người còn không hiểu phải làm thủ tục, giấy tờ như thế nào nên không thể đưa sản phẩm vào hệ thống bán hàng hiện đại. Bên cạnh đó, ông Nam cũng nhấn mạnh, dù có sản phẩm tốt, nhưng tại nhiều đơn vị sản xuất ở các địa phương, khâu marketing rất kém. Hình ảnh sản phẩm được đưa tràn lan, chưa tạo sức hấp dẫn.
Một nguyên nhân nữa dẫn tới việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao khó khăn, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, là do vẫn còn phổ biến tình trạng nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản lạm dụng các chất hoá học, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến việc nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn cũng như khuyến khích nông dân sản xuất theo quy trình, qua đó cung ứng nhiều hơn nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng.
Ông Tám nhấn mạnh: “Để xây dựng được nhiều chuỗi nông sản an toàn phải làm rõ những khó khăn vướng mắc để kết nối được các chuỗi. Các cơ quan của Bộ, Sở Nông nghiệp ở các địa phương phải nỗ lực tham gia giúp doanh nghiệp và những người sản xuất an toàn. Cùng nhau tháo gỡ khó khăn để phát triển thêm nhiều chuỗi nông sản an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở các TP lớn và người tiêu dùng”.
Năm 2017 là năm thứ 2 Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó chấn chỉnh tình trạng “thực phẩm bẩn”, tăng cường phát hiện, xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh việc ký kết với hàng trăm doanh nghiệp cung ứng nông sản thực phẩm an toàn để nhân rộng các mô hình và địa chỉ cung ứng nông sản sạch tại nhiều tỉnh, TP trên cả nước.
Hà Nội có 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm
Chiều 22-12, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt cho thành phố Hà Nội và hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp năm 2017.
Đến nay, Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiến hành lấy 2.587 mẫu nông lâm thủy sản của các tỉnh cung cấp cho Hà Nội, đã phát hiện 115 mẫu vi phạm, chiếm 4,5%, các mẫu vượt ngưỡng có nguồn gốc của các tỉnh, Hà Nội đã thông báo kịp thời cho các tỉnh để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại cơ sở có mẫu vi phạm có hướng khắc phục quản lý chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.
Hà Nội đã kết nối được 50 dòng sản phẩm mới từ 5 tỉnh thành phố: Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Bình, Nam Định, Đắk Lắk. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiếp tục hỗ trợ tem điện tử thông minh QR code cho 15 cơ sở với 250 dòng sản phẩm của các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng... đưa về Hà Nội tiêu thụ để người dân nhận biết và lựa chọn sản phẩm an toàn, có chất lượng.