Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2018 của Tổng công ty Sông Đà – CTCP (Sông Đà Corporation, mã SJG) cho thấy, doanh nghiệp đình đám ngành xây dựng một thời chỉ lãi ròng 27,4 tỷ đồng, đạt 15% kết quả năm. Mức lợi nhuận được cho cực kỳ khiêm tốn với doanh nghiệp có tổng tài sản hơn 15.652 tỷ đồng, vốn sở hữu trị giá hơn 4.517 tỷ đồng.
Như vậy, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của SJG chỉ đạt 0,05%, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản chỉ đạt 0,01%.
Kết quả kinh doanh của Tổng công ty Sông Đà ngày càng đi xuống. (Ảnh: SJG)
Nguyên nhân kinh doanh ảm đạm, theo lãnh đạo SJG, do sản lượng không đạt kế hoạch và việc tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 4/2018, không được đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp tại thời điểm bàn giao.
“Việc trích lập dự phòng tài chính và dự phòng phải thu khó đòi được trích lập tại thời điểm 31/12/2018, nên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của SJG thấp. Do chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần nên SJG phải thực hiện trích lập dự phòng tổng số tiền hơn 239 tỷ đồng”, báo cáo thường niên Tổng công ty Sông Đà nêu.
Mặc dù kết quả kinh doanh yếu kém, không đạt kế hoạch nhưng thù lao của lãnh đạo SJC vẫn không thay đổi. Theo báo cáo, năm 2018, Chủ tịch Hội đồng quản trị SJC, ông Hồ Văn Dũng nhận lương 52,7 triệu đồng/tháng, tương ứng với 632 triệu đồng/năm. Ông Dũng là người đại diện phần vốn nhà nước tại SJG.
Trong khi đó, 4 thành viên Hội đồng quản trị mỗi người được nhận 45,9 triệu đồng/tháng, tương đương với 550 triệu đồng một năm.
Tổng công ty Sông Đà là một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn trong ngành xây dựng. Những năm gần đây, kết quả kinh doanh của SJG không mấy khả quan. Doanh nghiệp cũng đang ôm các khoản nợ khó đòi lên tới hàng nghìn tỷ chưa thu hồi được.
Năm 2019, SJG đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 100 tỷ đồng.
Tổng công ty cũng giữ nguyên tiền lương, thù lao cho Hội đồng quản trị như 2018.