Tham gia show truyền hình thực tế Cơ hội cho ai, các ứng viên đã khiến 7 nhà tuyển dụng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thay vì ở vị thế chủ động thì nhiều "Sếp" đã phải xuống nước năn nỉ ứng viên về đầu quân nhưng một điều lạ là đôi khi đưa ra mức lương khủng cùng chế độ đãi ngộ tốt, các nhà tuyển dụng vẫn phải ngậm ngùi để lọt mất nhân tài vào Sếp khác đưa mức lương thấp hơn.
Thậm chí, nhiều ứng viên còn tiết lộ rằng họ đến với chương trình là để tìm được một nơi làm việc lý tưởng, trong đó thu nhập không hẳn là yếu tố quyết định. Khi không tìm được vị Sếp nào phù hợp với "tiêu chuẩn" của mình, nhiều ứng viên dù được các Sếp ra sức chiêu mộ vẫn quyết định từ chối và ra về tay trắng.
Ý Nhi từ chối mức lương 25 triệu để chọn Sếp Nga vì đồng cảm
Phan Thị Ý Nhi, 23 tuổi, tốt nghiệp Đại học Tài chính Marketing, xuất hiện trong tập 5 Cơ hội cho ai. Nữ ứng viên chia sẻ trên sóng truyền hình về quá khứ mắc căn bệnh trầm cảm sau biến cố gia đình. Trải lòng đầy cảm xúc của cô sau đó nhận được sự chia sẻ từ MC Lại Văn Sâm và các sếp, đặc biệt là sếp Lưu Nga (CEO Elise) và sếp Ngô Hoàng Gia Khánh (Phó chủ tịch đầu tư và phát triển doanh nghiệp, thành viên thường trực HĐQT tập đoàn Tiki), những nhân vật cũng có hoàn cảnh tương đồng.
Bằng thành tích học tập ấn tượng và thái độ tự tin khi giải quyết tình huống trên sân khấu, Ý Nhi xuất sắc nhận được 6 nút xanh từ các sếp, tương đương 6 cơ hội thương lượng chốt deal. Tuy nhiên, nữ ứng viên chỉ phân vân giữa hai trong số đó, là sếp Vũ Mạnh Hùng (Chủ tịch tập đoàn Hùng Nhơn) với mức lương 25 triệu và sếp Lưu Nga với mức 15 triệu. Cuối cùng, Ý Nhi bất ngờ quyết định ra Hà Nội làm việc với Elise của sếp Lưu Nga với vị trí chuyên viên truyền thông. Cô từ chối mức thu nhập khá cao so với sinh viên mới ra trường - 25 triệu từ sếp Hùng, cũng như so với mức lương kỳ vọng 9 triệu của mình.
Khẳng định cho lựa chọn, Ý Nhi chia sẻ: "Em chọn sếp Nga vì chị có nhiều cảm xúc giống như em, em tìm thấy sự đồng cảm".
Phương Thy – Cử nhân ĐH RMIT từ chối mức lương 15 triệu của Sếp Hùng
Nữ ứng viên tiếp theo nhận được 6 nút xanh từ các sếp là Phan Đạt Phương Thy, từng học tập tại Đại học RMIT, một nữ sinh tự tin, bản lĩnh, có đam mê theo đuổi công việc của một chuyên viên Marketing. Tiến đến vòng thương lượng cuối cùng, mức lương kỳ vọng của Phương Thy là 7 triệu đồng. Và cô nhận được 5/6 mức lương thương lương vượt kỳ vọng. Trong đó, sếp Hùng là người đưa ra con số cao nhất, gấp đôi con số kỳ vọng của ứng viên là 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, kết quả Phương Thy đã quyết định về đội sếp Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch Fsoft) với mức lương 10 triệu đồng. Theo sếp Tiến, con số 6789 là số tượng trưng cho sự "san bằng tất cả" dành cho tuổi trẻ.
Tiến Quyết, Quốc Tuấn – Những nam ứng viên mạnh dạn đi tìm nhà tuyển dụng phù hợp với "tiêu chuẩn" của mình
Khác với Ý Nhi và Phương Thy đều là sinh viên vừa tốt nghiệp, ít kinh nghiệm làm việc, lựa chọn "chốt deal" có đôi phần cảm tính; Tiến Quyết (xuất hiện ở tập 1) và Quốc Tuấn (tập 3) đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm, hiểu rõ bản thân cần gì.
Với Tiến Quyết mới 22 tuổi, nhưng đã làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, có nhiều kinh nghiệm, mục tiêu theo đuổi con đường trở thành một chuyên viên Marketing chuyên nghiệp. Còn Quốc Tuấn đặt mục tiêu 3 năm sau sẽ trở thành Giám đốc kinh doanh, sau đó là CEO. Với những mục tiêu rõ ràng, có tính định hướng về nghề nghiệp, Tiến Quyết bỏ qua mức lương 25 triệu từ sếp Hùng để về đội của sếp Khánh với mức lương 20 triệu. Nam ứng viên giải thích cho lựa chọn của mình: "Tôi thấy đây (TIKI) là môi trường khuyến khích sự sáng tạo, năng động. Khi tôi ở môi trường đó, tôi sẽ có cơ hội phát triển nhiều hơn".
Tương tự, Quốc Tuấn cũng bỏ qua cơ hội về đội sếp Khánh với mức lương 45 triệu cho vị trí quản lý ngành hàng, để về với sếp Nga cùng mức chốt deal 40 triệu cho vị trí quản lý khu vực. Lý giải cho quyết định đầu quân về Elise, nam ứng viên bộc bạch: "Cái tôi được là thể hiện bản thân, giới hạn của mình. Thực tế tôi có lợi thế trong ngành của Sếp Nga, chị đã thuyết phục tôi nhiều và tôi cảm nhận chị có sự quyết tâm và việc tôi về công ty chị là hợp lý nhất".
Trung Kiên gây choáng vì tự nhận mình không xứng với mức lương khủng
Tình huống hy hữu tại Cơ hội cho ai tập 8 là chàng sinh viên của Đại học Ngoại thương, Hoàng Lê Trung Kiên. Mặc dù mức lương kỳ vọng của nam ứng viên là 9 triệu, nhưng đứng trước hai cơ hội lớn từ sếp Tiến – 30 triệu cho vị trí chuyên gia phân tích dữ liệu, và sếp Hà – 15 triệu cho vị trí thủ kho, Trung Kiên bất ngờ từ chối, chấp nhận ra về tay trắng vì cảm thấy bản thân chưa xứng đáng. "Em cảm ơn hai anh. Sau chương trình, em rất mong giữ được liên hệ của anh. Khi em đạt đến kỳ vọng như anh mong muốn, em sẽ gặp lại anh để ứng tuyển" – Nam ứng viên chia sẻ.
Quý trọng đức tính chân thành của Trung Kiên, MC Lại Văn Sâm ủng hộ quyết định của nam ứng viên. "Không phải ai cũng làm được, đó là một quyết định khó khăn. Mọi chuyện đều có thể diễn ra, quyết định là ở các ứng viên. Đây là ứng viên cho tôi ấn tượng. Cảm ơn cháu vì sự chân thành, lòng tự trọng và vì quyết định sáng suốt, chú ủng hộ quyết định của cháu" – Nam MC nói.
Qua đây, có thể thấy, vấn đề thu nhập trong quá trình tuyển dụng không phải yếu tố tiên quyết để chiêu mộ nhân tài. Bên cạnh đó, các ứng viên khi lựa chọn đơn vị đầu quân cũng chưa hẳn là vì chế độ đãi ngộ tốt. Đó là lý do trong thực tế xã hội hiện nay, nhiều công ty khởi nghiệp vẫn có thể chiêu mộ được người giỏi về đồng hành mà không cần phải trả mức lương quá cao cho họ. Ngoài chế độ đãi ngộ thì tầm nhìn của doanh nghiệp, môi trường làm việc, khả năng thăng tiến, chế độ đào tạo, sự lắng nghe, thấu hiểu của các sếp - Nhà tuyển dụng… đôi khi chính là yếu tố quyết định chốt deal thành công.
Theo chia sẻ từ đơn vị sản xuất, trong tập 9 Cơ hội cho ai sẽ vắng bóng ông chủ Tân Hiệp Phát – Trần Quý Thanh. Thay vào đó là một vị Sếp mới toanh đến từ một tập đoàn của Hà Lan – ông Gabor Fluit (Tổng giám đốc DE HEUS châu Á). Ngoài ra, sếp Khánh (Phó chủ tịch đầu tư và phát triển doanh nghiệp, thành viên thường trực HĐQT tập đoàn Tiki) cũng sẽ quay trở lại chương trình sau thời gian nghỉ ngơi.