Thống kê của Bộ GD-ĐT về tổng số nguyện vọng thí sinh toàn quốc đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cho thấy có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các nhóm ngành nghề.
Đáng chú ý, những ngành được nhiều thí sinh chọn làm nguyện vọng 1 trong kỳ tuyển sinh năm nay là: An ninh quốc phòng, Báo chí và thông tin, Nghệ thuật, Du lịch khách sạn, Dịch vụ cá nhân, kinh doanh…
Ngược lại, nhóm ngành ít hấp dẫn nhất (tính theo số lượng nguyện vọng 1) là Khoa học sự sống (26%) và Khoa học tự nhiên (20,1%.). Điều này dễ hiểu vì đây là nhóm ngành khoa học cơ bản, nhu cầu nguồn nhân lực không cao, thường bị coi là khô khan.
Nhóm ngành Kinh doanh và quản trị kinh doanh thu hút khoảng 1,2 triệu nguyện vọng trong tổng số 3,8 triệu nguyện vọng đăng ký vào các ngành. Tức là tính trong tổng số lượng nguyện vọng, khối ngành này chiếm tới 33%, trong khi các nhóm ngành khác chỉ chiếm từ 6,1-9%. Điều này cho thấy, nhóm ngành này được nhiều thí sinh lựa chọn cho các nguyện vọng tiếp theo nếu không đỗ nguyện vọng 1.
(ảnh minh họa)
Theo GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, có một yếu tố mà thí sinh nên cân nhắc khi quyết định thay đổi nguyện vọng là thị trường lao động luôn biến đổi không ngừng, có thể hôm nay rất hot nhưng một vài năm thì lại không còn hot, nếu đổ xô đăng ký dễ dẫn đến thất nghiệp cục bộ ở nhóm ngành nghề nhất định.
“Trong một giai đoạn nhất định, sẽ có một số ngành cần nhiều nhân lực vì thế trước mắt tạo ra thu nhập cao cho người lao động nhưng sau một vài năm, khi nguồn cung nhân lực quá lớn sẽ dẫn đến tình trạng bão hòa và tăng nguy cơ thất nghiệp.
Hiện nay xu thế của một số ngành liên quan đến kinh doanh là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh chuyển đổi số, càng ngày nhiều ngành nghề có xu hướng cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, với cá nhân tôi, các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là khoa học kỹ thuật sẽ luôn luôn chiếm vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước”, GS.TS Nguyễn Trung Việt nói.
GS.TS Nguyễn Trung Việt phân tích rằng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì kinh doanh, kinh tế sẽ có những sự bất ổn nhất định và không biết khi nào dịch bệnh sẽ dừng lại. Điều này dẫn đến nhiều đơn vị tất yếu phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phân công lao động... Bởi vậy, xung quanh các ngành hot thì các ngành khoa học cơ bản là lựa chọn tốt của thí sinh.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, khi thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng vào những ngành được cho là hot thì hiển nhiên mức độ cạnh tranh của những ngành này sẽ rất cao và khả năng trúng tuyển của các em cũng sẽ khó hơn và vấn đề ra trường tìm việc làm cũng vậy.
“Đăng ký ngành hot thì thí sinh phải chấp nhận những rủi ro, thách thức. Tôi nghĩ chọn ngành nghề, thí sinh đừng quá quan tâm đến tâm lý xã hội mà cân nhắc tới thực lực, năng lực sở trường, điều kiện cụ thể, đặc điểm của cá nhân, của gia đình… bởi vì việc chọn sai trường, sai nghề sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức. Thí sinh vẫn còn cơ hội khi đến thời gian thay đổi nguyện vọng, nếu thấy mình chọn sai, các em có thể thay đổi lại”, bà Thủy nói.
Các nhóm ngành Báo chí và thông tin, An ninh quốc phòng, Dịch vụ… được thí sinh lựa chọn nhiều nhất, số lượng nguyện vọng 1 đăng ký gấp vài lần chỉ tiêu.
Hoàng Thanh