Ngày càng nhiều nhân viên cảm thấy không được tôn trọng nơi công sở. Họ than phiền rằng không phải lương thấp, không phải chấm công sớm, không phải việc khó...mà chính vị sếp 'tệ nhất vịnh Bắc Bộ' mới là nguyên nhân hàng đầu khiến họ cảm thấy đi làm không khác gì đi tù.
Trong hơn 20 năm, giáo sư kinh doanh Christine Porath, đại học Georgetown, đã nghiên cứu vấn đề này. Khảo sát hàng chục ngàn nhân viên khắp thế giới về cách họ được đối xử bởi cấp trên, cô phát hiện ra stress nảy sinh từ môi trường thiếu văn minh nơi công sở có thể giết chết năng suất, và cả các nhân viên như thế nào.
Năm 1998, khi khảo sát, một nửa số nhân viên cho rằng họ bị đối xử thô lỗ ít nhất một tháng một lần, con số này tăng lên 55% vào năm 2011, và 62% vào năm 2016. Mặc dù, những tác hại của việc này đôi khi tiềm ẩn, cái giá mà các nhân viên phải chịu đựng vô cùng to lớn.
Trong gần 800 quản lý và nhân viên trải dài 17 lĩnh vực khác nhau mà giáo sư Christine Porath khảo sát, những người cảm thấy không được tôn trọng có kết quả làm việc tệ hơn. 47% những người bị sếp đối xử tệ cố tình giảm thời gian làm việc, và 38% nói rằng họ chủ ý giảm chất lượng công việc của mình. 66% người được hỏi nói rằng năng suất của họ giảm sút và 78% nói rằng tình yêu của họ với tổ chức đã sụt giảm.
Không chỉ ảnh hưởng đến công việc, những tác hại đến sức khỏe còn thường không được để ý. Làm việc thường xuyên với một vị sếp tồi có thể giết chết bạn, theo nghĩa đen.
Giáo sư Robert M. Sapolsky, đai học Stanford, cho rằng khi chúng ta phải trải nghiệm những tác nhân gây stress bất chợt như la hét trong một thời quá dài hoặc quá thường xuyên, họ sẽ gặp phải những vấn đề sức khỏe lớn, bao gồm các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường, ung loét do hệ miễn dịch phải trả giá.
Một nghiên cứu công bố năm 2012, theo dõi một số phu nữ trong 10 năm liền kết luận rằng những công việc quá stress sẽ gia tăng tai biến tim mạch lên 38%.
Các vị sếp tồi làm 'tổn thương' nhân viên của mình bằng rất nhiều cách gây stress và làm họ thấy không được tôn trọng, mất giá trị bản thân bao gồm: đang nói chuyện thì bỏ đi bởi vì sếp không hứng thú; trả lời điện thoại giữa cuộc họp mà không ra khỏi phòng; công khai chỉ trích nhân viên bằng cách vạch ra những sai lầm của họ; thành công thì ôm công về mình, nhưng khi có vấn đề lại 'chuyền bóng' cho cấp dưới.
Nghiên cứu cũng chỉ ra chỉ cần làm việc trong những môi trường thiếu văn minh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của nhân viên. Bạn không cần phải là người làm trực tiếp dưới sếp, hoặc bị chỉ trích công khai thì mới bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Bạn có thể tự cảm thấy lo lắng khi tưởng tượng mình ở trong hoàn cảnh bị sếp mắng, nghĩ xem bản thân nên phản ứng như nào, hoặc liệu mình có phải là đối tượng tiếp theo 'lên thớt' hay không.
Rất nhiều trong số chúng ta, vì lương tốt hay ngại nhảy việc, nên vẫn chịu đựng một vị sếp tồi như thế. Tuy nhiên, cái giá mà bạn phải trả cho sức khỏe thể chất và tinh thần của mình lại nhiều khi lại quá lớn.
Hoặc cố gắng thay đổi sếp ứng xử "văn minh" hơn bằng cách gửi bài viết này cho cấp trên qua một email ẩn danh, hoặc bạn cần phải suy nghĩ nghiêm túc về câu hỏi: "Liệu tất cả sự chịu đựng này có đáng với mình hay không?"