Ở thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đang lây lan và trở nên mất kiểm soát ở nhiều quốc gia. Đã có tới hơn 20,8 triệu người nhiễm bệnh trên toàn thế giới, và gần 750.000 người tử vong.
Tuy nhiên trong bài viết này, chúng ta sẽ không đề cập quá nhiều đến đại dịch này, mà là một vấn đề khác, mơ hồ hơn nhưng gây ra hậu quả cũng rất đáng sợ. Đó là thông tin!
Theo giới nghiên cứu nhận định, Covid-19 đã đi kèm cả "đại dịch thông tin" trên phạm vi toàn thế giới. Khi có quá nhiều luồng thông tin khác nhau, nó đem tới cả tin giả, tin đồn, và cả các thuyết âm mưu nữa. Chúng được lan tỏa giữa cộng đồng, giữa bạn bè và người thân. Mà tiếc thay, việc nghe theo một thông tin không đúng - có thể là lời khuyên, quy tắc phòng dịch sai lầm - về đại dịch nguy hiểm như Covid-19 sẽ gây ảnh hưởng rất xấu.
Trong nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Tropical Medicine and Hygiene, một nhóm chuyên gia dịch tễ quốc tế đã tiến hành theo dõi mạng xã hội và các trang tin tức, để tìm hiểu xem các thông tin sai sự thật được lan truyền như thế nào. Tổng cộng, họ xác định có hơn 2300 báo cáo về các tin đồn, định kiến, thuyết âm mưu... liên quan đến Covid-19 trên 25 ngôn ngữ từ 87 quốc gia khác nhau. Không có bất kỳ thông tin nào trong đó là hữu dụng - kể cả khi được tung ra với mục đích tốt, và hầu hết đều gây hại.
Một số trường hợp thậm chí còn gây chết người.
"Lấy ví dụ như tin đồn chỉ cần uống rượu nồng độ cao là có thể tẩy virus corona ra khỏi cơ thể. Nó hết sức phổ biến ở một số quốc gia trên thế giới," - tác giả nghiên cứu cho biết.
"Chính vì nghe theo tin đồn này, ước tính đã có khoảng 800 người chết, 5876 trường hợp phải nhập viện với ít nhất 60 người bị mù vĩnh viễn vì uống phải rượu độc (methanol)."
Trường hợp trên được ghi nhận tại Iran, và có lẽ là ví dụ kinh khủng nhất về hậu quả của đại dịch thông tin. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số những tổn hại mà nhóm nghiên cứu đã tìm ra. Một vụ việc tương tự cũng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, cướp đi sinh mạng của 30 người. Tại Qatar, có 2 người đàn ông đã thiệt mạng sau khi uống nước rửa tay chứa cồn, vì tin rằng làm vậy sẽ giúp thanh lọc cơ thể.
Tại Ấn Độ, hàng chục người đã phải nhập viện sau khi uống rượu làm từ cây cà độc dược. Nguyên nhân cũng chỉ vì một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, cho rằng thứ rượu ấy có thể kích thích hệ miễn dịch chống lại Covid-19. Trong số các nạn nhân, có tới 5 trẻ em.
Dĩ nhiên, không phải "fake news" gây hậu quả nghiêm trọng nào cũng được truyền thông biết tới. Các chuyên gia cho biết, mạng xã hội bao la ngoài kia còn lan truyền những ý tưởng diệt virus cực kỳ nguy hiểm, như uống thuốc tẩy, uống nước tiểu hoặc ăn phân bò, uống dung dịch chứa bạc, hoặc xịt chlorine (clo) lên khắp người. Và trong thời buổi hỗn loạn, một thông tin dù chẳng có hại lắm cũng sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm, khi nó được tin tưởng bởi sai người.
"Một nhà thờ tại Hàn Quốc đã tiến hành xịt nước muối vào miệng từng tín đồ và khiến cho hàng trăm người dự bị nhiễm virus," - các chuyên gia cho biết, đề cập đến sự việc xảy ra ở nhà thờ Shincheonji (Tân Thiên Địa) hồi đầu năm 2020. Được biết, nhà thờ này đã dùng cùng một bình xịt cho toàn bộ tín đồ đến nhà thờ, không có bất kỳ bước sát khuẩn nào xen giữa.
Sự việc xảy ra tại nhà thờ Shincheonji hồi tháng 3/2020
Đại dịch thông tin không chỉ liên quan đến những cách chữa bệnh sai lầm, mà còn cả về nguồn gốc của virus, về cách bạn có thể nhiễm bệnh, cùng những người phải chịu trách nhiệm cho nó. Nói về vấn đề này thì có quá nhiều ví dụ, như virus corona là một dạng bệnh dại (giống như ở chó); sóng điện thoại làm lan truyền virus; virus là vũ khí sinh học; virus được tạo ra để bán vaccine; virus do Quỹ Bill & Melinda Gates tạo ra... Rất nhiều!
Các chuyên gia cho biết, nghiên cứu của họ vẫn còn hạn chế ở số lượng, và chưa tìm hiểu về số người tin vào các tin đồn mà họ tìm thấy. Tuy nhiên, họ biết rằng các thông tin này được lan truyền một cách tự do trên nhiều trang web và mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể thấy. Rõ ràng. đại dịch thông tin là có thật và đang hiện hữu, cần có những hành động thay đổi chúng.
"Các thông tin sai lệch được lan truyền qua tin đồn, định kiến và thuyết âm mưu, có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho cá nhân và cộng đồng nếu mọi người đề cao chúng, thay vì các hướng dẫn dựa trên bằng chứng khoa học," - trích trong báo cáo nghiên cứu.
Nguồn: Science Alert