Theo đó, do còn có các ý kiến khác nhau về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất như dự báo nhu cầu vận chuyển và giới hạn công suất khai thác, tổ chức giao thông nội bộ, kết nối với hệ thống hạ tầng bên ngoài; tính khả thi và hiệu quả kinh tế, xã hội...cho nên Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục chỉ đạo tư vấn bổ sung và hoàn thiện hồ sơ.
Trong đó, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành liên quan và UBND TP.HCM, các đề xuất phù hợp của tư vấn ADCC và của các chuyên gia. Đồng thời, có văn bản giải trình công khai, cụ thể đối với các vấn đề không tiếp thu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ thêm cơ sở khoa học của việc dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hoá bằng đường hàng không, bổ sung dự báo tổng thể về nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hoá đối với các loại hình giao thông vận tải.
Đồng thời, nghiên cứu phương án sử dụng sân bay Cần Thơ trong việc giải quyết tình trạng quá tải tại Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hành khách, hàng hoá của TPHCM và các địa phương tại khu vực phía Nam. Xác định rõ và bổ sung chi phí cụ thể đối với các công trình bắt buộc phải đầu tư, xây dựng để đáp ứng việc điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất.
Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan, xác định rõ diện tích đất phải thu hồi khi mở rộng. Bộ GTVT cần khái toán mức đầu tư cho từng giai đoạn, từng danh mục công trình cụ thể tại khu vực phía Nam và phía Bắc như hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và các công trình bắt buộc phải đầu tư.
Sau khi khái toán, Bộ GTVT đề xuất phương thức đầu tư cho từng danh mục công trình, khuyến khích đầu tư tư nhân, ưu tiên sử dụng các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện.
Bộ GTVT sau khi thống nhất ý kiến với các bộ, ngành liên quan và UBND TP.HCM sẽ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất để báo cáo Thủ tướng và thường trực Chính phủ xem xét, quyết định vào cuối tháng 3/2018.