Cuối năm 2020 - đầu năm 2021, người mua nhà dường như đang dành mọi sự chú ý cho thị trường khu Đông TPHCM, bởi nơi này vừa chính thức được Chính phủ chấp thuận cho TPHCM thành lập Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức. Tuy nhiên, còn một vùng đất khác đang được TPHCM dành một phần nguồn lực tài chính lớn để phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông tăng tính liên kết vùng, tiến dần đến thực hiện chiến lược mở rộng vùng đô thị về phía Nam.
Ở phía Nam, huyện Nhà Bè được biết đến là thị trường mới mẻ, thu hút các nhà đầu tư bởi quỹ đất còn tương đối lớn, cơ sở hạ tầng được đầu tư quy mô, điều kiện sinh thái lý tưởng với nhiều mảng xanh, khí hậu ôn hòa. Huyện Nhà Bè (TP.HCM) đang thực hiện nhiều biện pháp để hiện thực hóa quyết tâm lên quận vào năm 2025 theo định hướng đô thị bền vững, phù hợp với chủ trương phát triển đô thị thông minh của thành phố.
Thông tin Nhà Bè lên quận thực tế không phải là câu chuyện mới. Tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM (30/11/2019), Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận định Nhà Bè sẽ sớm lên quận so với các huyện còn lại, phấn đấu đến năm 2025 tỉ lệ hộ dân làm nông nghiệp gần như không còn, kinh tế chủ yếu là dịch vụ, công nghiệp.
Thực tế cho thấy, huyện Nhà Bè nói riêng và cả khu Nam Sài Gòn từ lâu sở hữu vị trí kết nối giao thương chiến lược mang lại nhiều lợi thế để phát triển kinh tế; phía Đông giáp huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai khu vực đang phát triển dự án sân bay quốc tế Long Thành, phía Tây giáp huyện Bình Chánh huyện Cần Giuộc tỉnh Long An - Đô thị vệ tinh của Sài Gòn trong tương lai, phía Nam giáp huyện Cần Giờ và phía Bắc giáp với quận 7 - khu vực phát triển sầm uất với hạt nhân là Phú Mỹ Hưng.
Hiện nay, UBND TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch xã Hiệp Phước, Nhà Bè với quy mô 3.800ha trở thành một khu đô thị - cảng ở phía Nam Thành phố. Nhiều khu đô thị hiện đại đã hình thành sẽ là khu đô thị kiểu mẫu của cả khu Nam TP.HCM, như khu đô thị mới Nhơn Đức - Nhà Bè quy mô 350ha với các mô hình đô thị hiện đại, hay như một tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang đầu tư phát triển dự án khu đô thị khá quy mô trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ, Công ty địa ốc Phú Long cũng đang đầu tư nhiều dự án căn hộ,…
Để bắt kịp tốc độ phát triển của hàng loạt khu đô thị nói trên, những công trình giao thông trọng điểm đã và đang trong giai đoạn triển khai như: Công trình hầm chui, cầu vượt Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ: kết nối Nhà Bè với trung tâm quận 7, quận 4 và quận 1; cao tốc Bến Lức -Long Thành, cầu Cần Giờ kết nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ và các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, khu đô thị Cảng Hiệp Phước được kết nối giao thông cùng với tuyến metro số 4 sẽ tạo bước đột phá phát triển đô thị mạnh mẽ trong tương lai.
Đồng thời, khu công nghiệp - cảng biển lớn nhất TP.HCM gồm các cụm cảng nằm dọc theo sông Soài Rạp gồm cảng container quốc tế SPCT; Tân cảng Hiệp Phước; Cảng quốc tế Long An và khu công nghiệp Hiệp Phước đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 43.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa tại TPHCM đang theo diễn biến tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn với những lực gia tốc mới, trong đó đang dần hình thành nhiều khu đô thị vệ tinh quy mô khá lớn ở các vùng đã được quy hoạch. Với ưu thế về giá đất, quỹ đất phong phú,… khu Nam của TPHCM đang là địa điểm được giới phát triển bất động sản và nhà đầu tư có tầm nhìn xa lựa chọn.
Cũng theo ông Châu, người mua nhà thời gian gần đây đang có xu hướng dịch chuyển về khu vực này còn bởi lý do hệ thống hạ tầng giao thông của vùng ngày càng hoàn thiện với sự kết nối của các công trình giao thông trọng điểm. Vừa qua, trong danh sách 13 công trình giao thông mới TPHCM được khởi công, khu Nam TPHCM có đến 4 dự án: nối dài đường Phạm Hùng làm trục kết nối TPHCM và Long An, Tiền Giang; xây dựng đường Nguyễn Bình nối dài; đầu tư nâng cấp - mở rộng tuyến đường 15B; đầu tư mở rộng tuyến Lê Văn Lương. Ngoài các tuyến metro, TPHCM cũng chuẩn bị khởi công tuyến đường Vành đai 3, giúp giao thông khu Nam Sài Gòn kết nối với các quận nội thành và Bình Dương, Đồng Nai, Long An thuận tiện hơn.
Đánh giá về thị trường bất động sản khu Nam TPHCM, ông Lê Hoàng Châu cho rằng thị trường bất động sản khu Nam TPHCM, trong đó tiềm năng nhất hiện nay phải kể đến là khu vực Nhà Bè (TPHCM) và huyện Cần Giuộc (Long An). Ở thị trường này, trước đây do quỹ đất còn khá lớn nên phân khúc chính đó là đất nền và nhà phố, riêng phân khúc chung cư lại rất hạn chế và tập trung chủ yếu ở khu tây Nam là huyện Bình Chánh.
Nhiều chuyên gia cho rằng năm 2021 bất động sản khu Nam sẽ sôi động nguyên do bởi giá bất động sản khu vực này còn khá thấp. Hiện mức giá trung bình ở khu vực này từ 15 đến 40 triệu/m2. Đây được xem là mức giá hợp lý cho việc đầu tư so với khu Đông hay Nam. Về biên độ tăng giá, theo khảo sát thường rơi vào ngưỡng trung bình từ 18 - 25%/năm. Đặc biệt là ghi nhận biên độ tăng giá của một số dự án nhà phố, căn hộ tại khu vực huyện Nhà Bè có xu hướng tăng khi có thông tin địa phương này sẽ được nâng lên thành quận trong thời gian tới.
Nhận định về tiềm năng đầu tư của khu Nam, ông Trần Hiếu - Phó Tổng Giám đốc Tiếp thị & Kinh doanh DKRA Vietnam chia sẻ: "Lúc thị trường diễn biến tốt, có một số dự án đất khu đô thị sở hữu vị trí đẹp, tiện ích đầy đủ đã đạt mức chênh lệch cao ngay từ thời điểm mua. Tận dụng những lợi thế và quy hoạch mới đây, nhiều nhà đầu tư đang dần dịch chuyển về một số khu vực vùng ven giáp ranh với Nhà Bè như Cần Giuộc để phát triển dự án, thu hút mạnh dòng tiền của người mua".
Tuy nhiên, trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung nói chung, khu Nam cũng không ra mắt nhiều dự án, đặc biệt là ở phân khúc đất nền, nhà liền thổ dù hai phân khúc này vốn là thế mạnh của khu Nam. Do vậy, những dự án được giới thiệu ra thị trường đã được đón nhận khá khả quan. Với các dự án có nhiều điểm cộng như pháp lý đầy đủ, mặt tiền đường, hướng nhìn sông, cảnh quan đẹp,… sức tiêu thụ ghi nhận xấp xỉ 80 - 90%.
Hiện nay tại khu nam, dự án đất nền nhà phố ven sông Hiep Phuoc Harbour View vừa được giới thiệu ra thị trường. Được biết, dự án sở hữu mặt tiền đường Nguyễn Văn Tạo nối dài và 2km sông Soài Rạp. Hiện nay, dự án đã có pháp lý đầy đủ, sổ đỏ sở hữu lâu dài và hoàn thiện toàn bộ hạ tầng điện cũng như đang triển khai thi công các phân khu chức năng tiện ích. Các sản phẩm tại đây có mức giá chỉ từ 1,49 tỷ đồng/nền.
Ngoài Hiep Phuoc Harbour View, mới đây, sau nhiều năm lên kế hoạch triển khai, chủ đầu tư Việt Nam GS Industry (VGSI) - công ty con với 100% vốn đầu tư nước ngoài từ tập đoàn xây dựng GS E&C Hàn Quốc dự kiến sẽ công bố kế hoạch triển khai khu đô thị Zeitgeist với tổng diện tích 349ha và lộ trình phát triển hoàn chỉnh kéo dài 10 năm.
Ngoài ra, tại khu Nam có thể kể đến một số dự án khác như Senturia NSG tọa lạc cạnh đường Nguyễn Văn Linh, Lovera Premier và hàng loạt dự án khác....
Theo bà Võ Thị Phương Mai - Phó Giám đốc kiêm Trưởng Bộ phận Dịch vụ Cho thuê Mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam, xu hướng giãn dân cũng đã và đang biến khu Nam Sài Gòn thành điểm sáng đón đầu dòng vốn đầu tư của hàng loạt dự án hạ tầng bất động sản. Người mua nhà cũng có xu hướng chấp nhận dịch chuyển nơi ở ra khỏi các quận trung tâm TP đến các khu ngoại thành nhằm tìm kiếm môi trường sống trong lành và an cư lâu dài. Đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của khu Nam trong thời gian tới.