Amazon.com vừa mới tuyên bố gia nhập thị trường Việt Nam - nơi có tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh. Nhưng công ty sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải đối diện với vấn đề chuyển phát hàng hóa và hàng loạt đối thủ cạnh tranh.
"Amazon đang theo đuổi thị trường 100 triệu dân Việt Nam", trích lời của một phóng viên theo sát thị trường công nghệ. Công ty của tỉ phú Jeff Bezos sẽ hợp tác với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom).
"Công ty hiện có gần 300 triệu khách hàng đến từ 180 quốc gia", trưởng bộ phận Amazon Global Selling ở Singapore cho hay trong một sự kiện ở Hà nội vào ngày 14/3. "Chúng tôi cung cấp những công cụ giúp người bán và các nhà xuất khẩu bán sang các thị trường khác một cách dễ dàng nhất".
Cộng tác với Amazon sẽ giúp các thành viên của Vecom có nền tảng để tăng trưởng xuất khẩu những hàng hóa nội địa. Với Amazon, đây là bước đi đầu tiên tiến vào những thị trường mới nổi với dân số đang tăng trưởng.
Sau khi kết nối với những thành viên của Vecom, bước tiếp theo của Amazon sẽ là thị trường thương mại điện tử của Việt Nam với dịch vụ phát triển thị trường, không đòi hỏi trung tâm phân phối hoặc hàng hóa của công ty. Sau đó, nếu mọi việc thuận lợi, Amazon sẽ xây dựng trụ sở, tăng hiện diện ở đây vì công ty đã có được thị trường Nhật và các thị trường châu Á khác.
Mua bán trực tuyến mới tăng trưởng ở Việt Nam và hiện rất có triển vọng phát triển. Thị trường nội địa này đang dự kiến tăng trưởng gấp đôi vào năm 2020 (từ 5 tỉ USD giá trị thị trường vào năm 2016 – theo báo cáo của bộ công thương Việt Nam). Sức tăng trưởng đến từ tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở Việt Nam. Trong năm qua, GDP ở các thành phố như Hà Nội và HCM đã tăng lên đến mức 4.000 - 5.000 USD. Khối lượng sử dụng điện thoại thông minh và truy cập wifi trở nên thông dụng, mạng 4G cũng đang phát triển ở đây.
Ngoài ra, những thủ tục giao thương cũng trở nên dễ dàng hơn. Hiệp định sửa đổi đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP giúp Việt Nam tham gia thị trường của các thành viên như Nhật, Singapore và Úc. Khối ASEAN đã giảm thiểu phần lớn các loại thuế xuất nhập khẩu và giảm thời gian các thủ tục. Điều này tạo đà cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đến các nước này.
Dẫu vậy, tất cả những điều kiện này đều được theo dõi kỹ càng bởi những ông lớn công nghệ Trung Quốc, và họ đang không tiếc tay đầu tư vào khu vực này. Alibaba "chống lưng" Lazada trong khi Tencent đầu tư vào Tiki và Shopee, hiện đang thu hút người dùng bởi dịch vụ chuyển phát miễn phí.
Ngoài ra, điều đáng nói là theo một cách gián tiếp, Facebook đang đem lại mối lo ngại cho Amazon. Theo tìm hiểu của tờ Nikkei, rất nhiều người bán hàng trên mạng xã hội này ở Việt Nam và một số thậm chí có doanh thu lên tới 10.000 USD một tháng.
"Thật khó khăn cho Amazon khi gia nhập thị trường Việt vì có quá nhiều sự cạnh tranh – tiêu biểu là hơn 1 triệu người bán hàng online ở Việt Nam", ông Nguyễn Tuấn Hà, CEO của công ty chuyển phát Vinalink viết trên dòng thông báo của Facebook.
Hệ thống cơ sở hạ tầng cho việc chuyển phát ở Việt Nam hiện còn ít phát triển cũng là bất lợi cho Amazon và những công ty trong sân chơi này. Hệ thống đường còn nhỏ, và giao thông hỗn loạn gây khó khăn cho xe vận chuyển, đặc biệt là xe tải.
Tuy nhiên, hiện số lượng công ty chuyển phát ở Việt Nam đang tăng kể từ khi bỏ quy định của nhà nước – cho phép nhà đầu tư nước ngoài mở công ty ở đây. Công ty chuyển phát Yamato của nhật đã vào thị trường này từ năm 2014 tuy nhiên chưa được phát triển. Các dịch vụ chuyển phát đến tận nhà chủ yếu dựa vào các cá nhân nhỏ lẻ.
Nhưng, với sức chi tiêu của tầng lớp trung lưu đang gia tăng, việc thay đổi hành vi mua hàng trên mạng của Việt Nam chắc chắn sẽ thay đổi. Chính vì vậy, cả Amazon mà Alibaba đều đang nhắm tới thị trường tiềm năng này.