Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - tài chính tháng 5/2018.
Đến cuối tháng 5/2018, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 6,2% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,3%). Trong đó, huy động VND tăng 7,4%, huy động ngoại tệ giảm 3,1%. Vốn huy động VND chiếm 91,3% trong cơ cấu huy động theo loại tiền của hệ thống TCTD (cuối năm 2017 là 90,3%).
Trong khi đó, tín dụng đến cuối tháng 5 tăng khoảng 5,8% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,9%). Tín dụng VND ước tăng 5,6%, chiếm 91,9% tổng tín dụng; tín dụng bằng ngoại tệ tăng 8%, nhưng chỉ chiếm 8,1% tổng tín dụng.
Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn giảm nhẹ. Trong 5 tháng đầu năm 2018, tín dụng trung dài hạn tăng khoảng 5,4%, tín dụng ngắn hạn tăng khoảng 6,5%. Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn chiếm 52,7% tổng tín dụng, không biến động so với cuối năm 2017.
Cơ cấu cho vay một số ngành nghề kinh tế có thay đổi nhẹ. Tỷ trọng cho vay hộ gia đình giảm còn 16,6% (cuối năm 2017 là 17,0%). Tỷ trọng cho vay vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản tăng nhẹ lên mức 16,3% (cuối năm 2017 là 16,0%).
Đến cuối tháng 5/2018, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo khoảng 2,3% (cuối năm 2017 là 2,5%). Trong 4 tháng đầu năm 2018, hệ thống TCTD tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu, chủ yếu bằng sử dụng dự phòng rủi ro. Hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 20 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý bằng dự phòng rủi ro chiếm 62,9%; khách hàng trả nợ chiếm 28,8%; bán cho VAMC 4,3%; phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chỉ chiếm 1,9%; còn lại là xử lý nợ xấu bằng các hình thức khác.