Chiếc áo đã chật
TPHCM có diện tích hơn 2.060km2, có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm một thành phố (Thủ Đức), 16 quận và 5 huyện. Với 5 huyện ngoại thành, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch về xây dựng Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030, gồm Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.
Theo đó, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè sẽ thành quận hoặc thành phố trước năm 2025; các huyện Củ Chi và Cần Giờ lên quận hoặc thành phố trong giai đoạn 2025-2030.
Huyện Bình Chánh đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh.
Việc 5 huyện của TPHCM lên quận hoặc thành phố là điều tất nhiên, bởi “chiếc áo” cũ đã quá chật chội. Điển hình như xã Bình Hưng của huyện Bình Chánh, có diện tích gần 14.000 ha và tốc độ đô thị ngang ngửa với bất cứ phường nào ở TPHCM.
Từ trung tâm TPHCM tới khu dân cư Trung Sơn thuộc ấp 4, xã Bình Hưng chỉ khoảng 3 km. Nếu không nhìn các biển hiệu thì rất khó để tin khu đô thị hiện đại với hàng loạt căn biệt thự, nhà phố với rất nhiều dịch vụ thương mại, ngân hàng lại được khoác bên ngoài bởi “chiếc áo”’ địa giới hành chính là cấp xã. Riêng con đường 9A chạy dọc từ đầu đến cuối khu dân cư hơn 1 km nhưng có hàng loạt chung cư với hàng ngàn căn hộ.
Ngoài khu dân cư Trung Sơn, trên địa bàn xã Bình Hưng còn có hàng loạt khu đô thị có diện tích từ hàng chục đến hàng trăm hecta như Khu dân cư Văn Lang (gần 40 ha), khu Mizuki Park (37 ha), khu Đại Phúc (hơn 150 ha), khu dân cư Him Lam (gần 120 ha)…
Tương tự, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn có diện tích 177 ha, dân số hơn 30.000 người. Xã này nằm dọc theo các tuyến đường trọng điểm của huyện Hóc Môn và quận 12 như Tô Ký, Nguyễn Ảnh Thủ kết nối với quốc lộ 22, đường song hành quốc lộ 22 về phía Tây Bắc của TPHCM. Dọc theo những tuyến đường này chủ yếu là các khu thương mại, dịch vụ sầm uất, nhộn nhịp. Ngoài Trung Chánh thì Hóc Môn còn có các xã Bà Điểm, Tân Xuân, Xuân Thới Đông, Tân Thới Nhì… cũng gần như đô thị hóa hết.
Phước Kiển là một xã thuộc huyện Nhà Bè, khu vực cửa ngõ của huyện tiếp giáp với Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) và gắn liền với nhiều con đường lớn dẫn vào Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Thị trường nhà đất Phước Kiển cũng đã là “địa bàn” lâu năm của những “ông lớn” như Novaland, Phú Mỹ Hưng, Hoàng Anh Gia Lai... với hàng chục dự án tầm cỡ như khu căn hộ Sunrise Riverside, Saigon South Residences, The Park Residence, Hoàng Anh Gold House, Hoàng Anh Gia Lai 3...
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, thông tin, huyện rộng 43.500 ha thì diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 31.000. Định hướng 10 năm tới, huyện Củ Chi đang trình TPHCM cho chuyển đổi 17.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Từ đó phân bổ các tỉ lệ đất ở, giao thông, cây xanh, thương mại, dịch vụ… làm cơ sở xác định nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Còn huyện Cần Giờ là địa phương có diện tích lớn nhất TPHCM với hơn 70.000 ha. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, đặc thù của huyện là có tới 70% diện tích đất rừng ngập mặn và sông rạch. Theo quy hoạch, từ xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Long Hòa là khu đô thị cảng logistics. Giữa là vùng đệm với 34.000 ha rừng sinh quyển. Phần còn lại sẽ phát triển theo hướng là đô thị sinh thái biển.
Hàng trăm ngàn tỷ đầu tư cho hạ tầng
Để lên quận hoặc thành phố, cả 5 huyện ngoại thành của TPHCM phải giải được bài toán về hạ tầng. Trong 5 huyện ngoại thành, Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí lên quận nhất với 26/30 nhưng nguồn ngân sách đầu tư công cho huyện trong 5 năm tới lên đến hơn 50.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số này mới chỉ dành để nâng cấp, cải tạo, duy tu cơ sở hạ tầng để phục vụ người dân, chưa tính các dự án đầu tư xây mới. Hiện tại, Bình Chánh có 118 dự án đang tập trung thực hiện thì có 88 dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách.
Tương tự, Nhà Bè hiện nay còn 6 tiêu chí chưa đạt theo quy định, trong đó có các tiêu chí về hạ tầng. Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, huyện Nhà Bè xác định kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn trong giai đoạn này với danh mục 374 dự án, tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng đầu tư hạ tầng, giao thông đường bộ, thủy lợi và chỉnh trang đô thị chiếm gần 15.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, chỉ tính riêng các dự án đầu tư công nhóm C thuộc thẩm quyền của huyện, trong 5 năm tới cần hơn 6.000 tỷ đồng. Huyện đang xin chủ trương chuyển đổi 17.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp để làm cơ sở lập danh mục các dự án đầu tư và nguồn ngân sách tương ứng.
Huyện Hóc Môn cũng đang làm đề án để đạt các tiêu chí của quận giai đoạn 2021-2030. Để đạt các tiêu chí của quận trong vòng 10 năm tới, cần tới hàng chục ngàn tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị. Lãnh đạo huyện Hóc Môn cho rằng, không thể nào đủ nguồn lực để thực hiện khi dựa vào ngân sách mà ngân sách TPHCM. Vì vậy, cần phải có cơ chế để địa phương khai thác quỹ đất hiệu quả.
Phải sửa quy hoạch
Một trong những đòn bẩy để các huyện ngoại thành thu hút đầu tư, phát triển đô thị chính là việc hoàn chỉnh công tác quy hoạch. Hiện nay, 5 huyện ngoại thành vừa có các đồ án quy hoạch đô thị vừa có các đồ án quy hoạch nông thôn mới và điểm dân cư nông thôn.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch còn dở dang, nhiều nơi chưa phủ kín quy hoạch. Nếu chưa có quy hoạch phân khu 1/2000 thì các huyện chưa có cơ sở để phân bổ các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật (công trình giao thông, hạ tầng dịch vụ…) và hạ tầng xã hội (công trình giáo dục, y tế, văn hóa…) để kêu gọi đầu tư.
Chẳng hạn, huyện Hóc Môn có 36 đồ án quy hoạch 1/2.000 và 10 đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới tỉ lệ 1/5000. Tuy nhiên, nhiều đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 được duyệt từ lâu, hiện nay đã lạc hậu. Vì vậy, Hóc Môn đang rà soát để lập các đồ án điều chỉnh quy hoạch.
Tại huyện Bình Chánh, các đồ án quy hoạch xây dựng chung tỉ lệ 1/5000 đã được lập từ năm 2009, đến năm 2012 đã được TPHCM phê duyệt đến nay không còn phù hợp. Huyện Bình Chánh đã kiểm tra, rà soát xong các đồ án quy hoạch chung 1/5000, quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn mới. Kết quả rà soát là phát hiện ra 12 điểm bất cập trong quy hoạch sử dụng đất được duyệt.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, thông tin, tỷ lệ phủ kín quy hoạch 1/2000 trên địa bàn huyện đến thời điểm này còn rất thấp. Củ Chi đã có tờ trình xin TPHCM phê duyệt nhiệm vụ chuyển đổi 17.000 đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp để làm cơ sở phân bổ các chỉ tiêu quy hoạch lập các đồ án quy hoạch 1/2000 và xác định nguồn lực đầu tư.
Còn thiếu nhiều tiêu chí
Trên cơ sở hiện trạng các tiêu chí, tiêu chuẩn của huyện, xã/thị trấn và đề xuất mô hình của huyện, Sở Nội vụ TPHCM sẽ xây dựng các phương án, báo cáo UBND TPHCM trình Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thống nhất chủ trương về chuyển đổi huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM.Để đạt tiêu chí huyện lên quận hoặc thành phố, các huyện phải đạt 30 tiêu chí trong bộ tiêu chí.
Ngoài Bình Chánh hiện đạt 26/30 tiêu chí, các huyện còn lại đạt thấp hơn. Cụ thể, Hóc Môn, Nhà Bè và Củ Chi đạt 23/30 tiêu chí; huyện Cần Giờ đạt 19/30 tiêu chí.