Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 22 Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam.
Trong đó nhà điều hành đưa ra lộ trình để từng bước siết chặt tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn từ năm 2020 đến 2022 giảm từ 40% xuống còn 30%. Bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, NHNN còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
NHNN đồng thời áp dụng hệ số rủi ro từ 50% - 150% đối với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống, trong đó với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có dư nợ gốc 3 tỷ đồng trở lên phải chịu hệ số rủi ro cao nhất trong khung.
Thông tư 22 hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn hơn cho hệ thống song sẽ dần siết chặt hoạt động của các ngân hàng, khiến không ít các nhà băng gặp khó khăn trong thời gian tới.
Song song đó, một quy định cũng được cho là tác động đến hoạt động của các ngân hàng, nhất là nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, đó là Thông tư số 58 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 01/11/2019.
Cụ thể, Thông tư 58/2019/TT-BTC về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại NHNN và các ngân hàng thương mại quy định, kể từ ngày 01/11/2019 Việt Nam chính thức áp dụng Tài khoản duy nhất của Kho bạc (Treasury Single Account - TSA).
Nói một cách dễ hiểu, nếu như trước đây Chính phủ đi vay nợ bằng cách phát hành trái phiếu thu tiền về, nếu số tiền chưa giải ngân thì Kho bạc Nhà nước (KBNN) có thể gửi tại các ngân hàng thương mại, chủ yếu là nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, thì nay Thông tư 58 yêu cầu số tiền ấy phải thu hết về một tài khoản của KBNN đặt tại Sở giao dịch NHNN. Tức là, NHNN sẽ đóng vai trò là người quản lý tiền và nợ cho Chính phủ.
Bên cạnh đó, cả nguồn thu từ thuế trước đây được giữ ở các tài khoản chuyên thu/thanh toán của KBNN tại các NHTM có thể tới vài tuần (không lãi suất), thì nay, với quy định mới, cứ vào cuối ngày cũng phải kết chuyển hết về TSA ở NHNN, ngày hôm sau lại nhả ra theo kế hoạch chi tiêu.
Theo tính toán của TS. Phạm Thế Anh, những năm vừa qua, với tiến trình giải ngân đầu tư công vô cùng chậm thì số tiền nhàn rỗi nói trên trung bình lên tới hơn 200.000 tỷ đồng và là mối lợi lớn cho các ngân hàng thương mại có tài khoản Kho bạc Nhà nước.
Thực tế tổng hợp của chúng tôi qua báo cáo tài chính của các ngân hàng cũng cho thấy, trong năm 2017, số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở các ngân hàng thương mại lên đến 236.000 tỷ. Tại thời điểm cuối năm 2018, chỉ tính riêng ở 3 ngân hàng là Vietcombank, BIDV và VietinBank số dư tiền gửi của Kho bạc đã lên đến 216.000 tỷ đồng, bên cạnh đó còn là số tiền lớn cũng được chuyển sang gửi ở các ngân hàng cổ phần tư nhân như MB. Đến hết 9 tháng đầu năm 2019, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở các ngân hàng lớn tiếp tục ổn định ở mức trên 200.000 tỷ đồng.
Giả sử với biên lãi suất khoảng 3% thì các ngân hàng thương mại ước chừng có khoảng 6.000 tỷ đồng lợi nhuận từ dòng tiền này mỗi năm.
Nhưng nay, số tiền trên phải chuyển về ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại không còn được hưởng lợi nữa. Mặc dù Thông tư 58 không yêu cầu tất cả các loại tiền của Kho bạc gửi phải kết chuyển hết về đầu mối NHNN ngay lập tức từ 1/11/2019 (những khoản tiền gửi có kỳ hạn sẽ chờ đến khi đáo hạn) nhưng sự biến chuyển của dòng tiền khổng lồ này chắc chắn sẽ tác động nhất định tới hoạt động của các nhà băng.
"Vài năm qua thanh khoản hệ thống ngân hàng vô cùng tốt, lãi suất liên ngân hàng đôi lúc tụt sâu xuống chỉ còn khoảng 1 – 2% một phần là nhờ nguồn tiền nhàn rỗi của Chính phủ tại các NHTM. Ngoài ra, việc liên tục mua vào ngoại hối (chừng 30 tỷ USD trong 3 năm gần đây) cũng khiến lượng tiền trong hệ thống tăng vọt. NHNN phải phát hành cả tín phiếu để hút bớt lượng tiền thừa về. Nay với việc áp dụng TSA, thanh khoản hệ thống sẽ giảm mạnh" - TS. Phạm Thế Anh đánh giá về một trong các tác động của việc áp dụng Thông tư 58.
Và thực tế diễn biến trên thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây cũng cho thấy việc KBNN rút dần tiền ở các ngân hàng thương mại, kết hợp với yếu tố mùa vụ là nhu cầu thanh toán dịp cuối năm tăng cao, đã tác động lên thanh khoản hệ thống. Tình hình thêm "nặng" hơn trong tuần ngay sau động thái hạ lãi suất của NHNN hôm 19/11. Chỉ trong vòng 1 tuần, lãi suất liên ngân hàng đã tăng gấp đôi và đến ngày 26/11 NHNN đã phải can thiệp bằng cách đột ngột hạ mạnh lãi suất cho vay qua thị trường mở (OMO) để bơm vốn giá rẻ 4%/năm (thay vì mức 4,5% trước đó) cho các ngân hàng. Cơ quan này cũng phải bơm ròng tiền vào hệ thống liên tục. Sang đến ngày 27/11, lãi suất liên ngân hàng mới đảo chiều giảm song vẫn ở mức cao so với mặt bằng vài tháng qua.
Song chính sách nào cũng sẽ có những tác động hai chiều và chính sách được thực thi vẫn thường có nhiều ưu điểm hơn nhược điểm. Ngoài việc tác động lên các ngân hàng thương mại theo hướng cắt mất lợi nhuận có được nhờ "hưởng lộc" của Kho bạc Nhà nước, thì Thông tư 58 cũng được đánh giá có nhiều lợi ích. Nó không chỉ giúp nhà điều hành chính sách tiền tệ có sự hợp tác chặt chẽ hơn từ chính sách tài khóa, để tăng thêm chủ động trong nắm bắt và cân đối lượng khi điều tiết nguồn vốn trong hệ thống hàng ngày mà còn có thể "rảnh tay" thêm để mua vào nhiều ngoại tệ hơn nữa.
Dẫu vậy, theo đánh giá của chuyên gia Phạm Thế Anh, cũng có một số quan ngại nhất định. "Bằng việc áp dụng TSA, NHNN giờ đây đã trở thành người quản lý dòng tiền và nợ, thậm chí là người cho vay cuối cùng đối với Chính phủ. Điều này không khỏi gây lo ngại về sự lẫn lộn giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, hay lo ngại vấn đề "tiền tệ hóa" các khoản nợ công khi NHNN không có sự độc lập, không công bố bảng cân đối tài sản như các ngân hàng trung ương khác trên thế giới" - ông nói. Bởi vậy, để Thông tư 58 thực sự là công cụ hữu hiệu góp phần giúp chính sách tiền tệ hiệu quả hơn đòi hỏi NHNN phải cực kỳ khéo léo trong việc điều hành.