Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã đề cập tới việc cho phép những người "cảm thấy không thoải mái" khi ở Hồng Kôn g có thể tới Mỹ. Bình luận này được đưa ra giữa lúc mối quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc xấu đi sau khi Bắc Kinh áp dụng luật an ninh mới với thành phố Hồng Kông .
Một người đặt câu hỏi cho ông Pompeo: "Chúng ta có cân nhắc tới khả năng chào đón những người Hồng Kông tới đây và mang hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của họ tới đất nước chúng ta hay không?"
Ông Pompeo trả lời: "Chúng tôi đang cân nhắc. Tôi không biết chắc chắn mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào. Nước Anh có mối quan hệ khác biệt với Hồng Kông. Nhiều người Hồng Kông có hộ chiếu Anh. Hồng Kông và Anh cũng có một lịch sử rất dài; nó rất khác biệt. Nhưng Mỹ sẽ cân nhắc lựa chọn này".
Ông Pompeo cho biết Mỹ vẫn giữ hi vọng rằng Trung Quốc sẽ rút lại chính sách tăng cường kiểm soát đối với Hồng Kông và quay trở lại đáp ứng các cam kết quốc tế.
"Tuy nhiên trong trường hợp mọi thứ không đi theo hướng đó - theo những gì xảy ra trong những tuần qua - Mỹ sẽ áp dụng trừng phạt đối với những người từ chối quyền tự do cho người dân Hồng Kông".
Tuần trước, Văn phòng Nội địa Anh đã mở rộng các tiêu chí hợp lệ để công dân Hồng Kông có thể xin quyền công dân Anh, điều này đồng nghĩa rằng hàng triệu người Hồng Kông có thể đăng kí nếu Trung Quốc tiếp tục gây sức ép bằng luật an ninh mới. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel nói Anh sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi và tự do của người dân Hồng Kông.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo rằng ông sẽ hủy trạng thái đặc biệt của Hồng Kông. Động thái này đã gây chấn động cả thành phố này lẫn Trung Quốc đại lục.
Ngày 1/6, Trung Quốc thông báo sẽ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước dừng mua thịt lợn và đậu nành số lượng lớn từ Mỹ. Trong khi đó, các đơn đặt mua bông và ngô cũng tạm hoãn.
Trong bối cảnh tồi tệ nhất, nếu ông Trump tiếp tục chỉ trích Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ hủy bỏ giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại - một nguồn tin tiết lộ với Reuters.
"Không có lí do gì Bắc Kinh tiếp tục mua hàng hóa từ Mỹ khi liên tục chịu công kích từ ông Trump," người này nói.
Tháng trước, Trung Quốc đã tăng thuế quan đối với lúa mạch của Australia và áp hạn chế với lò mổ của Australia vì những mâu thuẫn ngoại giao. Bắc Kinh cho rằng đây không phải là hành động trả đũa.
Ngày 2/6, đặc khu trưởng Hồng Kông nói kế hoạch của ông Trump là "tự chuốc lấy thất bại".
"Những hành động đó sẽ chỉ làm tổn thương nước Mỹ và không đem lại lợi ích cho ai cả".
Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Hồng Kông, chiếm 1/5 lượng giao dịch chứng khoán và nhận được ưu đãi tốt để thâm nhập thị trường Trung Quốc đại lục.
Bà Lâm cũng cáo buộc Mỹ "tiêu chuẩn kép" khi áp lệnh trừng phạt Hồng Kông vì luật an ninh mới mà chính quyền Hồng Kông ủng hộ.
"Chúng ta đều thấy các cuộc bạo động ở Mỹ và cách chính quyền địa phương phản ứng. Tại Hồng Kông, chúng tôi cũng có những cuộc bạo loạn tương tự và bị Mỹ trừng phạt".