Chổi lông gà có mặt ở khắp các vùng miền Việt Nam, từ lâu là mặt hàng gia dụng được các gia đình Việt sử dụng để phủi bụi bàn thờ, xe ô tô, cho đến quét dọn những góc khuất trong ngôi nhà.
Năm 2017, làng Triều Khúc (Thanh Trì - Hà Nội) đã được hãng tin AFP của Pháp đưa tin nhờ việc làm giàu từ nghề độc đáo: chổi lông gà. Ngày nay, ở ngôi làng này chỉ còn gần 10 hộ gia đình còn giữ nghề truyền thống này.
"Những chiếc chổi lông gà mềm mịn, mượt mà, treo đằng sau xe đạp bán dạo khắp phố phường, làng xóm là hình ảnh quen thuộc với người Việt Nam nhiều thế hệ", theo hãng tin AFP.
Chổi lông gà được làm thủ công rất cầu kỳ, nhiều người trong làng cùng góp công tạo nên chiếc chổi. Người chuyên đi các chợ mua lông gà, sau đó họ bán lại cho một vài người già trong làng để phơi khô rồi phân loại lông, tiếp đến là xâu lông vào chỉ dù rồi mới đến công đoạn quấn vào các thanh tre.
Triều Khúc là ngôi làng duy nhất ở Thủ đô làm chổi lông gà. |
Người dân làng Triều Khúc cho biết, đây là nghề "cổ" có từ hàng trăm năm nay, do thị trường ngày càng nhiều loại chổi nhựa giá thành rẻ, nên chổi lông gà dần mất chỗ đứng. Hiện nay, trong làng chỉ còn khoảng trên dưới 10 gia đình còn làm chổi lông gà.
Chị Vũ Thị Lành ở xóm Lẻ, Triều Khúc là thế hệ thứ 4 trong gia đình làm chổi lông gà ở Triều Khúc cho biết: "Ngày trước tôi cũng làm công đoạn khâu lông vào dây dù, nhưng bây giờ còn dành thời gian đi chợ bán chổi, nên tôi mua sẵn lông đã khâu về giặt sạch rồi quấn vào cán chổi".
Chổi được làm chủ yếu từ lông gà trống, đặc biệt, những con gà trống càng to thì lông càng dài, màu đẹp, có thể tận dụng được hết lông của nó, lông ở gần đuôi là đẹp và đắt nhất. Lông gà mái cũng làm được chổi nhưng giá bán không cao.
Chiếc chổi làm từ loại lông gà trống óng mượt, có giá 350.000 đồng. |
Chị Lành mua những dây lông gà về, giặt sạch bằng nước giặt để khử toàn bộ mùi và các chất hữu cơ còn lại, sau đó phơi khô rồi quấn vào cán chổi. Chị sử dụng máy để giặt lông và vắt nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Chị Lành chia sẻ thêm: "Những dây lông gà đến tay tôi để quấn thành phẩm thì đã "qua tay" 3 người khác trước đó: Người mua lông gà, người phơi khô và phân loại, người khâu lông".
Lên 10 tuổi, chị Lành đã biết phân loại lông gà, ngày xưa các cụ nhà chị đã xuất khẩu chổi lông gà sang Nhật Bản, Pháp, mỗi lần bán cả nghìn chiếc.
"Bây giờ số lượng chổi bán ra ngày một ít, nhưng tôi làm uy tín nên vẫn có những mối hàng xuất khẩu chổi đi Thái Lan và Lào. Cách đây vài ngày tôi mới chuyển đi Thái Lan 600 cái chổi cỡ vừa, có giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng", chị Lành kể.
Bà Lan ở xóm Lẻ, Triều Khúc cặm cụi ngồi phân loại lông gà, sân nhà bà phơi kín lông vừa mua lại từ những người trong làng.
Bà vừa phân loại lông gà vừa nói: "Công đoạn này chủ yếu là người già làm vì nó tốn thời gian lắm. Phải kiên trì ngồi thì mới làm được, người ta hay gọi đây là nghề của những bà già, ở làng cũng còn mấy người làm đâu".
Lông của một con gà sẽ được phân thành 5 loại: Lông nhất (lông gần đuôi), lông kim (lông cổ), lông đen, lông nhì và lông con. Để làm được một cái chổi lông nhất thì cần có lông của ít nhất 50 con gà, bán với giá 200.000 - 400.000 đồng/1 cái chổi.
Chổi được làm nhiều kích cỡ khách nhau, trung bình khoảng từ 200 gam - 300 gam lông/1 chiếc chổi.
Lông gà được khâu thủ công bằng tay vào các sợi chỉ dù nên rất bền. |
Những người thợ buộc dây lông gà vào đầu que tre, quét nhựa đường vào gốc lông để bám dính rồi khéo léo quấn sợi lông quanh que tre.
Chổi lông gà có rất nhiều công dụng: Để phủi bụi bàn thờ, xe ôtô, quét dọn những góc khuất trong ngôi nhà. |
Từ khi những chiếc chổi lông gà được lên báo Pháp, người dân trong làng cảm thấy tự hào khi cái nghề mà tổ tiên để lại được vươn ra thế giới. Những người làm chổi lông gà đang lo ngại về tương lai khi người tiêu dùng đang chuyển sang mua những loại chổi rẻ tiền hơn.
Các loại chổi bằng nhựa được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn đang tràn ngập thị trường, dần chiếm "chỗ đứng" của những chiếc chổi truyền thống.
(Theo Dân Trí)