Cây sanh cổ được cắt bớt đi phần ngọt, sau 10 năm tạo tác, phần ngọn bán với giá 28 tỷ đồng còn phần gốc chủ nhân vẫn chưa có ý định bán.
Mới đây, một cuộc giao dịch làm “chấn động” làng cây cảnh Việt, cuộc giao dịch được coi là cuộc giao dịch lịch sử, bởi giá trị lên đến 28 tỷ đồng giữa một nghệ nhân làm cây Hà Nội và đại gia đất Tổ (Phú Thọ).
Theo đó, tác phẩm sanh cổ có tên “Tiên lão giáng trần” được giao dịch với giá 28 tỷ đồng giữa anh Nguyễn Văn Chí, xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) và ông Phan Văn Toàn - Toàn đô la (TP. Việt Trì, Phú Thọ).
Được biết, cây sanh cổ “Tiên lão giáng trần” do nghệ nhân Dương Văn Mười (xã Hồng Vân) tạo tác mất 10 năm mới hoàn thiện, sau đó anh Mười nhượng lại cho anh Nguyễn Văn chí với giá 16 tỷ đồng đầu năm nay. Anh Mười cho biết, tác phẩm được cắt từ một ngọn cây sanh cổ của một nghệ nhân cùng xã.
Tò mò về nguồn gốc của tác phẩm 28 tỷ đồng, chúng tôi được anh Mười giới thiệu vào vườn nhà anh Mai Văn Tám, chủ nhân của phần gốc cây “Tiên lão giáng trần”.
Anh Tám đưa chúng tôi ra chiêm ngưỡng tác phẩm đồ sộ (cỡ đại) - chính là phần gốc của cây sanh có giá 28 tỷ đồng, cây nằm sâu trong khu vườn rộng hàng trăm mét vuông.
Đứng dưới tán cây sanh cổ, anh Tám say sưa nói về nguồn gốc của cây sanh quý. Theo anh Tám, cây sanh có nguồn gốc ở xã Chính Tâm (huyện Kim Sơn, Ninh Bình). Anh phải mất 3 năm theo đuổi mới mua được. Thời điểm mua cách đây 12 năm, lúc đó cây nằm trong một bể hoa tranh bị vỡ. Đó là một cây 2 thân 7 tán nhưng khi mang về anh Tám đã cắt bớt phần trên, phần cắt bớt đi chính là tác phẩm “Tiên lão giáng trần” bây giờ.
Hiện tại phần gốc cây sanh cổ vẫn đang được anh Tám hoàn thiện phần bông tán, phải mất khoảng 3 năm nữa mới hoàn thiện. Chỉ có thiên nhiên ban tặng mới được nên anh Tám đặt tác phẩm của mình với cái tên “Thiên địa nhân tụ hợp” có ý nghĩa trên là trời, dưới là đất, giữa là con người.
Nói về giá trị nghệ thuật hay giá trị kinh tế, anh Tám cho biết, cây có giá trị thời gian rất lớn, không biết cây bao nhiêu tuổi nhưng nhìn vào sự nu cục, màu da có thể thấy cây phải có hàng trăm năm tuổi. Giá trị kinh tế cũng chưa thể biết vì chưa có ý định bán.
Dưới đây là những hình ảnh về phần gốc của cây sanh cổ đã bán phần ngọn với giá 28 tỷ đồng.
(Theo Dân Trí)