Ông Nghiêm Xuân Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Nhà tài trợ vốn hàng đầu tại Quảng Ninh, đã nhận xét như vậy khi được hỏi về những đổi thay mang tính đột phá của xứ sở "vàng đen" này.
Chủ tịch Vietcombank cũng không quên khi nhắc tới những thời khắc lịch sử mà tỉnh địa đầu Tổ quốc này đã trải qua trong cả năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Khi phải đối mặt với 3 đợt dịch, đặc biệt là đợt thứ 3, Quảng Ninh đã kiểm soát rất tốt tình hình. Nhờ đó, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế" do Chính phủ đặt ra.
DÀNH 10 TỶ USD CHO MỘT DỰ ÁN KHỦNG
Trước khi rót vốn vào các dự án lớn ở Quảng Ninh, nhà băng này đặc biệt quan tâm đến chiến lược phát triển của tỉnh cũng như các thông số cơ bản như GDP, quy hoạch, mức độ giao thương với cả nước và nước ngoài, lợi thế của địa phương.
Còn theo số liệu của tỉnh Quảng Ninh, thu ngân sách năm 2020 của tỉnh đạt 36.340 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa trên 26.630 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, các nguồn thu dựa vào khai thác mỏ, đất đai, dần lép vế trước nguồn thu dịch vụ và sản xuất kinh doanh.
Trong quý I/2021, Quảng Ninh dính đại dịch Covid-19 nhưng không vì thế mà lùi bước. Chỉ số GRDP (tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương) của Quảng Ninh vẫn cao gấp đôi tốc độ tăng cả nước mà động lực chính vẫn là công nghiệp chế biến chế tạo (tăng 35,6%), góp phần bù vào khu vực du lịch, dịch vụ giảm do dịch Covid-19.
Đây cũng là lý do hệ thống Vietcombank tại Quảng Ninh có tới bốn chi nhánh để phục vụ nhu cầu tài trợ vốn rất lớn tại đây. Trong đó, dư nợ của một chi nhánh đã lên tới 12 nghìn tỷ đồng. Mới đây, Vietcombank cam kết tài trợ cho khu phức hợp Vinhomes Hạ Long Xanh mà Chính phủ vừa phê duyệt tại Quyết định 529/QĐ-TTg ngày 1/4/2021. Dự án có quy mô dân số 244.026 người, trên diện tích 4.109,64 ha, tổng vốn đầu tư 23.369 tỷ đồng; trong đó vốn chủ sở hữu 15%, vốn huy động 85%.
CHUYỂN TỪ "NÂU" SANG "XANH"
Nếu như từ 2010 trở về trước, khu vực khai thác mỏ luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP của tỉnh thì mười năm sau, sự đa dạng trong cấu trúc GDP thể hiện rõ nét hơn. Trong đó, kinh tế xanh (du lịch, dịch vụ) chiếm áp đảo và giữ tốc độ tăng bền vững.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ -người gắn bó với Quảng Ninh 25 năm nay, sở dĩ có sự khác biệt này là từ năm 2011, Quảng Ninh mời các nhà tư vấn hàng đầu thế giới tư vấn đồng bộ bảy quy hoạch về: giao thông, kinh tế xã hội, nguồn nhân lực, du lịch, xây dựng, môi trường và đất đai. Riêng quy hoạch xây dựng và môi trường Quảng Ninh tiến hành đồng bộ với nhau vì chắc chắn, khi xây dựng sẽ tác động đến môi trường.
"Bảy quy hoạch này trở thành chỉ báo quan trọng, gửi thông điệp rõ ràng đến các nhà đầu tư rằng đến năm 2020 và các năm sau đó, tỉnh sẽ phát triển như thế nào, để họ lựa chọn. Điều đó còn giúp tạo nền tảng bền vững trong quá trình quản lý", ông Ký nói.
Hiện tại, Quảng Ninh có ba thành phố và hai thị xã, đến năm 2023, sẽ có thêm thành phố Vân Đồn.
Quan trọng hơn, khi quy hoạch xong, tỉnh thành lập "cung trình diễn quy hoạch", công khai tất cả mọi quy hoạch lớn nhỏ để nhân dân và doanh nghiệp giám sát. Tỉnh nói không với "tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch". Bởi vậy, hệ thống giao thông từ quốc lộ, tỉnh lộ, huyện và nội đô của tỉnh khá đồng bộ, đẹp mắt, rộng và hiệu quả trong phát triển kinh tế.
Một điểm gây ấn tượng của Quảng Ninh là sử dụng số thu ngân sách tương đối cao phục vụ trở lại người dân. Năm 2020, khi dịch bùng phát khắp cả nước, cùng với 2 gói kích cầu của Chính phủ, Quảng Ninh cũng có một gói kích cầu trị giá 300 tỷ đồng.
Gói này được hình thành thông qua việc không thu phí vé thăm vịnh Hạ Long, tham quan Yên Tử, hỗ trợ xe bus từ sân bay Vân Đồn về Yên Tử, Hạ Long. Đầu năm nay, tỉnh cũng ra nghị quyết một gói kích cầu trị giá 500 tỷ đồng cho cả năm. Toàn bộ số tiền các gói kích cầu năm 2020 và 2021 sẽ được phân bổ trong chuỗi, làm thế nào đó để tất cả hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch đều được hưởng lợi sau trận ốm vì đại dịch.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 , Quảng Ninh có hẳn 19 nghị quyết an sinh xã hội bên cạnh các chương trình sử dụng ngân sách đầu tư trở lại cho y tế, giáo dục, nước sạch…cùng các đề án giải quyết chênh lệch vùng miền.
Với phòng chống Covid-19, Quảng Ninh có đủ nguồn tài chính để tiêm vắc xin đại trà cho toàn dân. "Suy cho cùng, phải dưỡng dân, khoan sức dân. Tất cả phải quay trở về nơi dân mới bền vững lâu dài. Bởi vậy, khi khảo sát, mới có tới trên 90% người dân đặt niềm tin ở chính quyền và cấp uỷ", ông Ký cho biết.