“Kim chỉ nam”cho mọi hoạt động của ngành dầu khí (trong đó có Petrovietnam) chính là các định hướng, chỉ đạo, quyết sách đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nhà nước. Để từ đó, ngành dầu khí đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Từ những quyết sách đầu tiên
Ngày 20/8/1975, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Hơn 10 ngày sau, căn cứ vào các Nghị quyết và Quyết nghị trên, ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam.
Đây có thể xem là một dấu ấn trong lịch sử xây dựng và phát triển kinh tế đất nước ta. Chỉ trong vòng 43 ngày, một đơn vị cấp Tổng cục đã ra đời, nắm trọng trách xây dựng một ngành kinh tế mới mẻ, mang tính kỹ thuật cao và đặc thù, trong khi kinh nghiệm, tiềm lực còn hạn chế và đất nước còn bộn bề sau chiến tranh.
Để hiện thực hóa mục tiêu hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh đồng thời phải giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ vững độc lập tự chủ; Đảng đã cử những tướng lĩnh quân đội dày dặn kinh nghiệm trong trận mạc, có ý chí và tinh thần kỷ luật cao cùng với các đơn vị làm kinh tế của quân đội về xây dựng ngành dầu khí.
Đến những năm cuối thập niên 70, với quyết tâm kiên trì xây dựng ngành dầu khí làm động lực để công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế, Bộ Chính trị đã ký hiệp định hợp tác chiến lược với Liên Xô, trong đó có việc liên doanh hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trên một số lô ở thềm lục địa phía nam Việt Nam. Thành quả đầu tiên là sự ra đời của Vietsovpetro cùng các hoạt động thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn.
Vững tin từ trong gian khó
Năm 1988, việc phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả với sản lượng cao tầng dầu trữ lượng lớn trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ đã đi vào lịch sử khai thác dầu khí thế giới. Chỉ trước đó một năm, các giếng dầu mới có được của Vietsovpetro đã bắt đầu suy giảm sản lượng nghiêm trọng. Hàng loạt chuyên gia phía Liên Xô bị điều chuyển hoặc xử lý kỷ luật vì kết quả hoạt động quá kém của liên doanh.
Nhiều người đã nghĩ đến việc giải thể Vietsovpetro nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn giữ niềm tin và sự kỳ vọng vào người dầu khí. Kết quả, người dầu khí Việt Nam đã tìm ra dầu ở tầng đá móng. Thành công này không chỉ “cứu sống” Vietsovpetro, mà còn mở ra một chương mới cho toàn bộ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Ngay sau sự kiện này, ngày 7/7/1988, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về Phương hướng phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2000, khẳng định quan điểm đổi mới trong hoạt động dầu khí, tạo ra một chân trời rộng mở cho ngành dầu khí Việt Nam lớn mạnh. Trong giai đoạn từ năm 1990 - 2005, ngành dầu khí Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế sâu rộng, đưa sản lượng và trữ lượng dầu khí tăng nhanh.
Năm 2006, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 41-KL/TW về Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025, cùng với việc phê duyệt thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam của Chính phủ.
Tập đoàn tiếp tục thực hiện sứ mệnh: Hoàn chỉnh và hiện đại hóa chuỗi công nghệ dầu khí, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí - công nghiệp điện, chế biến và dịch vụ dầu khí chất lượng cao; với sự ra đời các trung tâm sản xuất điện như Nhơn Trạch, cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, nhà máy lọc dầu Dung Quất…
Trong giai đoạn này, với sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều dự án, công trình dầu khí đã được triển khai và đang có đóng góp lớn cho đất nước. Đặc biệt là Dự án Biển Đông 01 khai thác khí và condensate ở cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, “con gà đẻ trứng vàng” cho kinh tế đất nước với hơn 957 triệu USD nộp vào ngân sách sau gần 8 năm khai thác (tính đến 28/6/2021).
“Quả ngọt” từ những nỗ lực
Bằng tinh thần “Đổi mới quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết định kịp thời”, doanh thu của Petrovietnam giai đoạn 2006 - 2010 đã tăng bình quân 5 năm đạt trên 22%/năm, tương đương 18 - 20% GDP cả nước; Nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân 14%/năm, chiếm trung bình 28 - 30%/năm tổng thu ngân sách nhà nước.
Giai đoạn 2011 - 2015, tập đoàn trở thành đơn vị kinh tế chủ lực của đất nước với quy mô, tổng tài sản lớn nhất trong các ngành kinh tế, đóng góp cho ngân sách nhà nước vượt 214,1 nghìn tỷ đồng - tương đương khoảng 10,1 tỷ USD so với kế hoạch.
Đặc biệt, trong bối cảnh xuất hiện những vấn đề nội tại của Petrovietnam, ngày 23/7/2015, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về định hướng Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035" đã được ban hành, với định hướng phát triển ngành dầu khí Việt Nam theo nguyên tắc kinh tế thị trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường tính chủ động trong quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp đó, ngày 16/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, tạo ra một khuôn khổ pháp lý quan trọng bảo đảm cho ngành dầu khí phát triển mạnh mẽ và ổn định theo hướng hiện đại, tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế.
Petrovietnam đến nay đã xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ chuỗi công nghiệp dầu khí từ khâu thượng nguồn, trung nguồn, đến hạ nguồn. Hoạt động của ngành dầu khí hiện nay đang có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là động lực phát triển tại nhiều vùng, địa phương.
Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như điện, phân đạm, xăng, dầu, khí... đang góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước, tạo nền tảng cho nhiều ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, 10 tháng đầu năm 2021, Petrovietnam đã có đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách nhà nước là 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Minh Ngọc