Theo báo cáo bán hàng của các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng ô tô toàn thị trường trong nước 6 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 134.884 xe các loại, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, riêng xe lắp ráp trong nước sau nhiều năm vượt hẳn thì đã bị xe nhập khẩu gần san lấp khoảng cách. Theo đó, tiêu thụ xe lắp ráp đã giảm 15% khi chỉ đạt 67.849 chiếc, xe nhập khẩu tăng mạnh 16% khi ghi nhận 67.035 chiếc bán ra trong nửa đầu năm 2024.
Không thuộc VAMA, TC Motor ghi nhận doanh số thương hiệu Hyundai được lắp ráp hoàn toàn đạt 24.381 chiếc, giảm so với cùng kỳ năm 28.011 chiếc, tương đương giảm 12%.
Giai đoạn 6 tháng đầu năm vốn là lúc thị trường ô tô chứng kiến nốt trầm khi người dân sẽ hạn chế mua sắm thời điểm này khiến doanh số sụt giảm. Sau dịp thấp điểm này được nối tiếp bởi tháng 7 âm lịch khi tâm lý kiêng mua tài sản giá trị lớn vào tháng Ngâu tiếp tục "bủa vây" khó khăn cho thị trường ô tô trong nước.
Năm nay, thị trường ô tô còn phải chịu "di chứng" của khủng khoảng kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu phục nên đã tác động lớn nhu cầu mua xe của người dân.
"Lẽ ra dịp Tết vừa rồi khoảng tháng 1/2024, gia đình tôi định mua xe mới, nhưng sau khi cân nhắc khá kỹ đành phải chấp nhận mua xe cũ để làm phương tiện đi lại. Kinh tế khó khăn, công việc thu nhập không bằng trước nên đành phải lựa chọn phương án mua xe cũ cho an toàn", anh Cửu Long (Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ.
Doanh số ô tô lao dốc chưa có dấu hiệu phục hồi, chính sách vẫn là dấu hỏi lớn khiến các doanh nghiệp ô tô phải tự cứu lấy mình.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng giám đốc Hyundai An Khánh, đại lý chuyên phân phối các dòng xe Hyundai lắp ráp chia sẻ với Dân Việt về tình hình khó khăn chung của thị trường.
"Không chỉ toàn thị trường mà doanh số của đại lý tôi tính từ đầu năm 2024 đến nay mới đạt 370 xe Hyundai các loại, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2023. Dễ nhận thấy nguyên nhân là bởi khó khăn của nền kinh tế nói chung cũng như ngành công nghiệp ô tô nói riêng trong giai đoạn này", ông Dũng nêu thực trạng.
Trong 3 lần giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước gần nhất, doanh số thị trường đều có những bước "nhảy vọt".
Cụ thể, trong thời điểm đại dịch Covid-19, Chính phủ đã áp dụng Nghị định 70/NĐ-CP, giảm 50% lệ phí trước bạ từ ngày 1/7-31/12/2020. Đây là lần đầu tiên, thị trường ô tô trong nước được trợ lực mạnh mẽ đến vậy. Ngay lập tức đã phát huy tác dụng khi doanh số đạt 398.177 xe bán ra, tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm.
Tiếp đến, Nghị định 103/NĐ-CP được áp dụng từ ngày 1/12/2021 - ngày 31/5/2022 với việc giảm 50% lệ phí trước bạ lần 2, đã có 232.192 xe lắp ráp trong nước được bán ra. Doanh số trên tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng gần gấp đôi so với 6 tháng cuối năm 2021.
Lần gần nhất áp dụng giảm trước bạ 50% đối với xe lắp trong nước theo Nghị định 41/NĐ-CP từ ngày 1/7 - 31/12/2023, doanh số toàn thị trường tăng 1,6 lần so với nửa đầu năm 2023.
Những con số về sản lượng xe bán ra trong 3 lần giảm trước bạ gần nhất đã cho thấy tác động mạnh mẽ từ Chính sách này của Chính phủ nhằm thúc đẩy người dân mua sắm ô tô trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Đặc biệt, khi thực hiện Chính sách giảm trước bạ 50%, số thu từ lệ phí trước bạ ô tô giảm, nhưng thuế Giá trị gia tăng và thuế Tiêu thụ đặc biệt tăng mạnh khi lượng xe bán ra tăng gấp nhiều lần.
Đánh giá tác động của Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, theo tính toán của Bộ Tài chính, nửa cuối năm 2020 đã tăng thu Ngân sách nhà nước lên 14.110 tỷ đồng dù số thu lệ phí trước bạ giảm 7.314 tỷ đồng.
Ở góc nhìn chuyên môn, chuyên gia xe Nguyễn Thanh Hải cho rằng, Chính sách giảm trước bạ 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước rõ ràng hiệu quả của việc này là rất lớn đối sản lượng tiêu thụ toàn thị trường Việt Nam.
"Qua 3 lần giảm trước bạ đã thấy rõ hiệu quả tác động đến tiêu thụ ô tô trong nước nước khi doanh số tăng mạnh so với thời điểm không được áp dụng nên chính sách này thực sự cần thiết", vị này nói.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm, kinh tế hiện vẫn đang trong giai đoạn khó khăn nên thị trường ô tô cũng lần đầu tiên chứng kiến sự sụt giảm lớn như thời gian vừa qua. Chính sách sẽ thúc đẩy người dân mua xe, nhưng bức tranh chung của toàn thị trường về doanh số ảm đạm khó được giải quyết trong ngắn hạn.
Những doanh nghiệp có xe sản xuất, lắp ráp trong nước cũng đang "đứng ngồi không yên" để chờ đợi giảm trước bạ và đều đã chuẩn bị rất kỹ nếu Chính sách giảm 50% được áp dụng.
Đối với Hyundai An Khánh, đón đầu giảm 50% lệ phí trước bạ, đại lý đã triển khai các chiến dịch truyền thông, tung ưu đãi đến khách hàng để kích cầu tiêu dùng. Khi chính sách được áp dụng, khách hàng có cơ hội sở hữu xe với chi phí thấp hơn đáng kể so với trước khi giảm thuế.
Không những vậy, đại lý này cũng chủ động nguồn hàng cung ứng khi nhu cầu của người dân tăng cao.
Khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ Nhà nước chưa được áp dụng, các doanh nghiệp phải tự cứu mình khi tung ra những chương trình ưu đãi lớn.
Honda Việt Nam hiện áp dụng giảm 50-100% lệ phí trước bạ, tăng bảo hiểm thân vỏ khi khách hàng mua xe Honda City, tổng ưu đãi gần 100 triệu đồng. Tương tự là Honda CR-V cũng giảm 50-100% phí trước bạ, quà tặng bảo hiểm thân vỏ, tương đương giảm hơn 100 triệu đồng.
Ngoài ra, Honda HR-V, BR-V giảm 50% lệ phí trước bạ, riêng Accord giảm cao nhất đến 220 triệu đồng khi khách hàng mua xe trong tháng 8/2024.
Tương tự, một đại lý Toyota (xin được giấu tên) tại Hà Nội cũng đang chờ đợi giảm 50% lệ phí trước bạ khi tung ra nhiều chương trình ưu đãi riêng cho các dòng xe lắp ráp trong nước như Toyota Veloz Cross, Avanza, Fortuner, Vios...
Như vậy, có thể thấy, giảm 50% lệ phí trước bạ là Chính sách tích cực đối với toàn thị trường ô tô Việt Nam khi cả người dân và doanh nghiệp đều mong chờ. Tuy nhiên, sau 4 tháng rục rịch, đến nay liệu có được giảm hay không vẫn còn là ẩn số.