Mong ngóng thưởng Tết
Đối với người lao động, thưởng Tết là một khoản vô cùng quan trọng và luôn được mong chờ vào những dịp cuối năm. Thời điểm này, người lao động cần tiền để sắm sửa, mua quà, vé xe, vé tàu… và nhiều khoản quan trọng khác. Đối với nhiều người, nếu không có thưởng Tết coi như không có Tết, nhất là những người lao động thu nhập thấp.
Doanh nghiệp lao đao vì dịch COVID-19 , người lao động cũng tự dự đoán được thưởng Tết năm nay sẽ không bằng những năm trước, thậm chí có thể không có. Tuy nhiên, thấp thỏm, mong ngóng chờ thưởng Tết vẫn là tâm trạng chung của mỗi người lao động vào những ngày cuối năm.
Đối với người lao động, thưởng Tết là một khoản vô cùng quan trọng và luôn được mong chờ vào những dịp cuối năm. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
Giặt vội chiếc áo công nhân, anh Nguyễn Đình Lương (tỉnh Thanh Hoá) lại gấp rút vào ca đêm. Tết cận kề, làm ngày hay đêm với anh không quan trọng, miễn là có việc có thêm khoản thưởng Tết để về quê đoàn viên với gia đình.
"Em rất mong tiền thưởng Tết, dù nó không nhiều nhưng nó cũng là một khoản giúp mình trang trải được việc gì đấy", anh Lương chia sẻ.
Trang trải quà cho người thân, sắm cho con tấm áo mới đón xuân về, trả những khoản nợ từ lúc giãn cách khi dịch hoành hành…. rất nhiều điều phải lo toan với người lao động.
"Năm nay thì chưa thấy công ty dán thông báo nên em vẫn phải đang chờ đợi", chị Quảng Thị Hồng Duyên, tỉnh Tuyên Quang nói.
Còn chị Nguyễn Vân Anh, tỉnh Hà Nam chia sẻ: "Dường như ai cũng như thế thôi, công nhân mà, mình cố gắng 1 năm trời để mong có được cái thưởng Tết còn về quê".
Thưởng Tết có lẽ vẫn là sự xa xỉ đối với không ít người lao động trong đại dịch. Hết cách ly rồi lại F0, công việc chỉ mới bắt đầu trở lại cách đây 1 tháng, lẽ vậy với họ có được một khoản nhỏ của thưởng Tết cũng chỉ là hy vọng.
Anh Nguyễn Duy Trầm, tỉnh Nghệ An nói: "Cũng hy vọng là có chút tiền thưởng Tết nhưng mà nhỏ thôi để giảm tải khó khăn trong năm qua cho công ty".
Chị Vương Thị Tân, Tỉnh Hải Dương bày tỏ: "Tôi cũng muốn có lương thưởng hợp lý nhưng cũng đồng cảm, chia sẻ và vượt qua khó khăn cùng với doanh nghiệp".
Người lao động chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp bởi nhà xưởng còn thì họ còn việc, còn kiếm kế sinh nhai bởi không ít người lao động năm qua đã mất việc vì công ty phá sản.
Những khoản tiền người lao động có thể được nhận dịp Tết
Mặc dù đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVD-19, nhưng người lao động vẫn có cơ hội được nhận một số khoản tiền thưởng và hỗ trợ để đón Tết Nhâm Dần 2022.
Thứ nhất là khoản thưởng Tết do doanh nghiệp tự chi trả.
Thứ hai là lương tháng 13 theo thỏa thuận với doanh nghiệp.
Thứ ba là 300 nghìn đồng tiền thăm hỏi và quà từ quỹ tài chính công đoàn.
Doanh nghiệp xoay xở lo thưởng Tết
Tuy nhiên, theo luật Lao động năm 2019, thưởng nói chung và thưởng Tết nói riêng cho người lao động đều không phải là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động. Dựa trên kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động mà doanh nghiệp sẽ chủ động xem xét thưởng hay không thưởng, thưởng nhiều hay thưởng ít cho người lao động.
Phân chia thành nhóm, một tuần làm, một tuần nghỉ, đã nhiều tháng nay Công ty cổ phần sữa Hà Lan sản xuất theo lịch cầm chừng như vậy. Sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên dịch bệnh khiến doanh thu sụt giảm gần 70%. Vì vậy, việc thưởng Tết đối với chủ doanh nghiệp là một câu chuyện "đau đầu".
Ông Nguyễn Xuân Vương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Lan cho hay: "Chúng tôi cũng cố gắng hết sức mình để mức thưởng Tết cho người lao động. Thưởng tuy là rất nhỏ nhưng là động lực tinh thần rất lớn để người lao động gắn kết phục vụ công ty tốt hơn".
Nhiều doanh nghiệp cũng muốn thông qua việc thưởng Tết để tạo động lực và giữ chân người lao động. Như Công ty cổ phần May Tiên Hưng, Hưng Yên, nhiều tháng phải nghỉ luân phiên chống dịch nhưng vẫn hạ quyết tâm đảm bảo Tết này mọi người đều có tiền thưởng.
"Thu nhập của năm 2021 cơ bản giữ vững như năm 2020. Các chế độ tiền lương, tiền thưởng Tết nhìn chung là không đổi so với 2020 và năm 2019", ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Công ty cổ phần May Tiên Hưng, Hưng Yên cho biết.
Đến thời điểm này vẫn còn rất nhiều công ty chưa công bố mức thưởng Tết cho người lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Các công ty ở phía Nam gặp khó khăn hơn phía Bắc do thời gian đóng cửa vì dịch bệnh lâu hơn và thiếu lao động sau khi hoạt động trở lại. Vì vậy, đến thời điểm này vẫn còn rất nhiều công ty chưa công bố mức thưởng Tết.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: "Ở phía Nam tôi tin chắc rằng thưởng Tết không được như mọi năm nhưng tôi nghĩ vẫn có. Ở phía Bắc, các doanh nghiệp đều thông tin lại khả năng thưởng Tết cố gắng giữ như năm trước".
"Theo đánh giá có khoảng 30 - 50% doanh nghiệp sẽ giảm thưởng Tết cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để duy trì lương tháng 13", ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay.
Sau một năm đầy biến động nên doanh nghiệp cũng cố gắng xoay xở tiền thưởng Tết như một nguồn động viên đối với người lao động.
Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các ngành bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh thì từ nay đến cuối năm, còn phụ thuộc vào việc hàng hoá được lưu thông, doanh nghiệp mới có doanh thu và lúc đó người lao động mới có thêm những khoản thưởng cho cái Tết đủ đầy.
Ngoài việc thưởng Tết bằng tiền, doanh nghiệp được phép thưởng cho người lao động bằng hiện vật hoặc các hình thức khác. Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động bằng vé tàu xe để về quê; các hiện vật có giá trị như đồ gia dụng hoặc là đồ do chính công ty tự sản xuất.
Người lao động tự do "tự lo" cho Tết
Với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp còn có cơ hội để trông mong thưởng Tết, còn những lao động tự do không có gì ngoài việc bán sức. Công việc tự do và họ cũng phải tự lo cho cái Tết của mình.
Công việc tự do nên những người lao động này cũng phải tự lo cho cái Tết của mình. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
2h sáng tại Chợ Long Biên, khi những chiếc xe hàng tập kết, cũng là lúc chị Liên (Hương Yên) tất bật với việc bốc hàng. Mỗi chuyến xe nặng tới vài chục cân nhưng nặng chị Liên còn có xe để kéo. Bởi với nhiều cửu vạn nữ khác họ phải "giao phó" hết gánh nặng lên đôi vai của họ.
Không phải ai cũng có điều kiện để đầu tư chiếc xe kéo, nên với những lao động gánh hàng thì thường xuyên rơi vào tình trạng "ế ấm".
"Người ta mua thì cô gánh ra, đi đảo việc chứ thỉnh thoảng mới gặp được một người mua làm gì có đều. Có việc đâu mà gánh suốt. Mỗi gánh người ta cho 10 nghìn, người cho 15 nghìn, người cho 20 nghìn", chị Trần Thị Lơ, tỉnh Hưng Yên chia sẻ.
Đa số lao động bốc vác tại chợ đầu mối đều là lao động ngoại tỉnh, trong đó phần đông là phụ nữ. Những ngày cuối năm họ chỉ mong được " bán sức" để kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Thế nhưng nghịch nỗi việc ít nhưng người thì nhiều.
Chờ đợi để có việc để cái Tết có thêm hy vọng, ai cũng gồng mình mưu sinh nhưng cuộc sống của những lao động tự do vẫn còn rất bấp bênh.