Nhiều chủ tàu cá không ghi nhật ký khai thác thủy sản.
Ghi nhật ký khai thác thủy sản là quy định bắt buộc trong mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt thủy sản của các tàu cá. Tuy nhiên hiện nay, hầu như các chủ tàu đánh cá xa bờ đều không thực hiện hoặc có ghi nhật ký đánh bắt theo kiểu đối phó để hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Điều đáng nói, việc ghi nhật ký khai thác thủy sản sẽ giúp cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt được dễ dàng hơn. Đây cũng là vấn đề mà Liên minh châu Âu yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải thực hiện để ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Ở mỗi phiên biển, không phải các chủ tàu cá, thuyền trưởng nào cũng chấp hành đúng quy định ghi nhật ký khai thác thủy sản. Đối với nghề giã cào hay còn gọi là lưới kéo, việc ghi sổ nhật ký khai thác thủy sản hầu như không tàu nào thực hiện.
Ngư dân Phạm Văn Phát, ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi nêu thực tế, theo quy định, mỗi tàu vươn khơi đều phải được thuyền trưởng ghi chép hành trình, ngư trường cực kì cẩn thận. “Mình đi biển 9 - 10 năm nay nhưng hầu như chưa có thuyền trưởng nào ghi chép trên biển để lưu lại, tàu cá tự động khai thác ở bất cứ ngư trường nào”, ông Phát cho biết.
Theo quy định của Bộ NN&PTNT, chủ tàu hoặc thuyền trưởng của các tàu có giấy phép khai thác thủy sản, chịu trách nhiệm ghi sản lượng khai thác thủy sản từng chuyến biển trong nhật ký khai thác. Đây là quy định bắt buộc đã được phổ biến tới ngư dân hoạt động khai thác trên biển thực hiện. Tuy nhiên, do chưa được kiểm tra, giám sát và chưa có chế tài xử lý nên phần lớn các chủ tàu cá đều chưa thực hiện nghiêm túc.
Thực tế, các tàu thuyền trước khi ra khơi, cơ quan chức năng địa phương chỉ có trách nhiệm quản lý, cấp giấy đăng ký, sổ danh bạ thuyền viên, đăng kiểm, nghề khai thác… trong khi chủ tàu thuyền đi ngư trường nào, đánh bắt loại thủy sản gì, bán ở đâu, bán cho ai vẫn không thể kiểm soát được.
Ngư dân Trần Văn Công ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi thừa nhận, nguồn gốc hải sản đưa vào bán ở chợ không kiểm tra được. Nếu chỉ căn cứ trên nhật ký khai thác sẽ rất khó chính xác vì việc ghi chép tùy tiện. Chỉ khi nào Nhà nước khuyến khích ngư dân ghi chép nhật ký ngư trường, tọa độ đầy đủ ngư dân mới có khả năng thực hiện.
Việc ghi chép chính xác tọa độ khai thác là điều không dễ. Phần lớn ngư dân còn giữ tâm lý giấu ngư trường, không muốn ghi vì lộ vị trí đánh bắt của mình. Mặt khác, trình độ của nhiều ngư dân và thuyền trưởng còn hạn chế nên việc vận hành thiết bị còn khó khăn. Hơn nữa, Nhà nước chưa có quy định bắt buộc các tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình kết nối với trạm bờ nên việc quản lý phương tiện rất khó khăn.
Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Chi cục tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con thực hiện tốt Luật Thủy sản 2017 vừa được Quốc hội mới ban hành. Từ đó triển khai đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thủy sản như nhật ký khai thác, gắn cài đặt các trang thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá để phục vụ công tác quản lý và hỗ trợ ngư dân.
Cùng với các tỉnh, thành ven biển trong cả nước, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Trong đó, quản lý chặt việc ghi nhận ký khai thác thủy sản để truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác./.