Ngư dân đòi trả tàu thép
Hiện nay, nhiều vấn đề bất cập từ việc đóng tàu vỏ thép theo Nghị định (NĐ) 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã nảy sinh khiến ngư dân và các ngân hàng (NH) cho vay rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Sự việc bắt đầu rộ lên tại Quảng Bình liên quan đến tàu vỏ thép khi vào tháng 2.2018 UBND tỉnh Quảng Bình nhận được đơn xin đề nghị của 14 chủ tàu vỏ thép ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) về việc xin giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ, cụ thể là xin trả nợ vốn chỉ 200 triệu đồng/ năm. Nguyên nhân được lý giải là, sau khi đóng xong tàu vỏ thép đã gặp không ít bất cập do việc đánh bắt, thu nhập và tiêu thụ sản phẩm; mùa màng năm được năm không; thời gian tàu nằm bờ nhiều; máy móc hư hỏng thường xuyên; không có lao động để đi do đa số lao động đã đi xuất khẩu nước ngoài…
Theo thống kê, Quảng Bình có 87 tàu cá được đóng theo NĐ 67. Đối với việc đóng mới tàu vỏ thép công suất lớn ngư dân không mặn mà với việc đóng tàu vỏ thép, còn ai đã “lỡ” đóng rồi thì đang phải chịu… hậu quả. UBND xã Đức Trạch cho biết, nhiều ngư dân của xã không còn mặn mà với việc đóng tàu vỏ thép nữa. Nguyên nhân đóng tàu vỏ thép nguồn vốn cao gấp đôi so với đóng tàu vỏ gỗ, dẫn đến phương án hoàn vốn và trả nợ cho ngân hàng là cực kỳ khó khăn. Đặc biệt, những tàu vỏ thép vừa được đóng đã nhanh chóng bị hư hỏng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. Sau mỗi chuyến ra khơi đánh bắt tàu vỏ thép thường có hư hỏng, hoen gỉ, nhưng hiện trên toàn tỉnh Quảng Bình chưa có cơ sở nào để sửa chữa, do đó việc ngư dân sở hữu tàu vỏ thép đang đối mặt với nhiều khó khăn, phải nằm bờ dài ngày.
Ngân hàng chịu hậu quả
NHNN Chi nhánh Quảng Bình cho biết, qua 4 năm triển khai, đến nay các chi nhánh NHTM trên địa bàn đã ký kết 87 hợp đồng tín dụng cho vay theo NĐ 67 với số tiền 1.004,7 tỉ đồng, đã giải ngân 989,3 tỉ đồng, dư nợ 930,8 tỉ đồng; trong đó nợ quá hạn là 82,5 tỉ đồng, xu hướng nợ xấu ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Trần Quý - GĐ Agribank Chi nhánh Quảng Bình cho biết, đến nay NH đang chịu những hệ lụy liên quan đến việc cho vay thể hiện bằng việc buộc phải khởi kiện 2 chủ tàu ra tòa. Theo thống kê của Agribank Quảng Bình, đến cuối tháng 9.2018 có 4 khách hàng đóng tàu vỏ thép đã chuyển nợ xấu với dư nợ 59,5 tỉ đồng; tỉ lệ nợ xấu cho vay theo NĐ 67 là 33,11%; 3 chủ tàu vỏ thép phát sinh nợ nhóm 2 với tổng dư nợ 26,3 tỉ đồng.
Agribank Quảng Bình đã thực hiện khởi kiện ra tòa án yêu cầu trả nợ và xử lý tài sản là tàu cá để thu hồi nợ của 2 chủ tàu vỏ thép có nợ xấu là Nguyễn Hữu Sáu (tàu mang số QB 91609 - TS với số nợ 14,5 tỉ) và Trương Thanh (tàu mang số QB 91577 - TS, cùng trú xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) với số nợ 15,1 tỉ. Hiện sự việc đang trong giai đoạn hòa giải, các chủ tàu đều không đến dự hòa giải theo giấy triệu tập của tòa. Đáng lo ngại hơn, nguy cơ quá hạn dài ngày và chuyển nợ xấu đồng loạt trong năm 2018, dự kiến đến cuối năm 2018 có 12/13 khách hàng chuyển nợ xấu với dư nợ 160 tỉ đồng; ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh khiến người lao động ngành ngân hàng không đủ lương.