Bức tranh kinh doanh quý III/2022 của các doanh nghiệp ngành thép đã lộ diện với những khoản lỗ lớn, cho thấy dự báo " Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi " của tỷ phú Trần Đình Long tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 không còn khó tin, mà đã và đang ứng nghiệm trong thực tế.
"Ngũ hổ tướng" ngành thép bao gồm CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tổng công ty thép Việt Nam (VnSteel), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Thép Nam Kim (NKG) và CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) đều lỗ, thậm chí lỗ kỷ lục.
Mặc dù đã được Chủ tịch tiên đoán trước, song Hoà Phát (HPG) vẫn gây "sốc" khi bất ngờ lỗ lịch sử 1.786 tỷ đồng trong quý III, giảm 117% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.
Hoà Phát cho biết, kết quả kinh doanh ảm đạm này là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.
Sau Hòa Phát, á quân lỗ lớn quý III trong ngành là Hoa Sen Group với mức lỗ ròng 887 tỷ đồng và cũng là lần đầu tiên báo lỗ. Doanh thu thuần của công ty đồng thời giảm, đạt 7.939 tỷ đồng, giảm đến một nửa so với mức hơn 15.700 tỷ đồng ở cùng kỳ năm ngoái.
Nằm trong "ngũ trụ" ngành thép, Tổng công ty thép Việt Nam - VNSteel cũng lỗ ròng 535 tỷ đồng. Công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 8.500 tỷ trong quý vừa rồi, giảm 500 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.
Không nằm ngoài xu hướng, CTCP Thép Nam Kim quý III/2022 ghi nhận doanh thu giảm đến 41% so với cùng kỳ xuống còn 4.424 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn chỉ giảm 26,5% đẩy doanh nghiệp này vào tình trạng kinh doanh dưới giá vốn. Lỗ gộp quý 3 hơn 159 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này đạt gần 1.300 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Thép Nam Kim lỗ ròng 419 tỷ đồng quý 3/2022 trong khi cùng kỳ lãi gần 607 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ lớn nhất doanh nghiệp thép này từng ghi nhận trong một quý kể từ khi hoạt động.
Tương tự, SMC dù ghi nhận doanh thu đạt 5.672,05 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, song lại lỗ ròng 188 tỷ đồng. Việc SMC lỗ đậm do nguyên nhân chủ yếu là kinh doanh dưới giá vốn và chi phí tài chính tăng cao. Đây là quý lỗ đầu tiên của SMC trong 10 quý liên tiếp.
Ngoài các gương mặt lỗ trên trăm tỷ, Vicasa – VNSteel, Thủ Đức VNSteel, Tisco, HMC là những cái tên tiếp nối âm hàng chục nghìn tỷ đồng quý III vừa qua.
Cụ thể, Thép Vicasa - VNsteel báo lỗ trước thuế gần 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi trước thuế 2,5 tỷ đồng. Đây cũng là mức thua lỗ kỷ lục theo quý của Thép Vicasa - VNsteel kể từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2010.
Thủ Đức VNSteel, Tisco cùng lỗ 25 tỷ đồng, HMC báo lỗ 15 tỷ đồng.
Một số đại diện tuy không lỗ nhưng cũng chỉ lãi khiêm tốn dưới 10 tỷ là Gang thép Cao Bằng, VG Pipe, Tiến Lên Group. Cùng kỳ năm ngoái các DN này vẫn báo lãi trên chục, trăm tỷ.
Như vậy, sau hơn một năm doanh nghiệp thép thăng hoa, các doanh nghiệp sản xuất thép đang bước vào chu kì kinh doanh giảm tốc vì giá thép đi xuống.
Nguyên nhân giá thép giảm chủ yếu do nhu cầu mặt hàng này suy yếu trên toàn cầu. Việc Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid và hệ quả quá trình kiểm soát bất động sản kéo theo giá giao dịch các sản phẩm thép giảm.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu thép xây dựng liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản. Việc dòng vốn cho thị trường này bị kiểm soát, khiến nhu cầu thép đi xuống, từ đó kéo giá mặt hàng này đi lùi.
Trên sàn chứng khoán, cùng với ảnh hưởng tiêu cực của toàn ngành thép, cổ phiếu các doanh nghiệp này cũng không ngừng lao dốc. Chốt phiên 28/10, cổ phiếu HPG, NKG, SMC, HSG... đều giảm, nhuộm sắc xanh sàn và đỏ.