Vài năm nay, khi đời sống, thu nhập khá hơn, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua các mặt hàng đặc sản sử dụng trong dịp lễ, Tết. Vì vậy, đây cũng là thời điểm người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm dễ dàng với giá cao, lợi nhuận lớn.
Mô hình chăn nuôi lợn rừng của gia đình anh Bùi Văn Truyền, xã Tân Thanh (Lạng Giang).
Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới, gia đình ông Đào Lý Trí, xã Quế Sơn (Sơn Động) - hộ có thâm niên nuôi thỏ gần 5 năm, đang tập trung gia cố, sửa chữa chuồng trại và chăm sóc đàn thỏ thương phẩm phục vụ nhu cầu người dân. Từ hơn ba tháng trước, ông đã cho thỏ sinh sản và giữ lại con giống nuôi với quy mô lớn cung ứng trong dịp Tết.
Theo ông Trí, giá thỏ vào những ngày áp Tết thường cao nhất trong năm, tăng từ 10-20 nghìn đồng/kg.
Tương tự, trang trại nuôi dúi của anh Lục Văn Sầy, thôn Lái, xã An Bá (Sơn Động) những ngày này đón nhiều khách đến tham quan, đặt hàng. Năm 2011, trong một lần đi rừng lấy nấm lim, anh Sầy bắt được vài con dúi rừng. Thay vì làm thịt, anh để lại nuôi thử. Thấy loài vật này sinh trưởng, phát triển tốt, anh tiếp tục thu mua dúi rừng của bà con trong vùng về nhân giống. Nhờ áp dụng quy trình chăm sóc khoa học, tiêm phòng đầy đủ và đầu tư chuồng nuôi bài bản, đàn dúi phát triển tốt. Hiện anh sở hữu hơn 200 con.
“Đây là động vật hoang dã, ít bệnh tật; thịt thơm, dai, ngọt. Hai năm gần đây, lượng khách tìm mua dúi tăng mạnh vào những ngày cuối năm. Dịp Tết này, gia đình tôi đã nhận đơn hàng cung cấp gần 100 con cho thương lái ở tỉnh Quảng Ninh, dự kiến thu lãi gần 40 triệu đồng”, anh Sầy chia sẻ.
Khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay nguồn cung các loại con đặc sản tương đối dồi dào và đa dạng. Nắm bắt nhu cầu thị trường, giờ đây, nhiều chủ trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn tìm hướng đi mới, đó là nuôi con đặc sản. Tiêu biểu như mô hình nuôi ba ba, cá trắm đen ở xã Song Mai (TP Bắc Giang); gà Đông Tảo, cá sấu (Việt Yên); vịt trời, gà lôi (Lục Nam)...
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông Nghiệp và PTNT), nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi từ vài tháng trước, nhiều cơ sở chăn nuôi gà, lợn rừng, chim bồ câu quy mô lớn cũng tăng đàn khoảng 30% phục vụ thị trường dịp cuối năm.
Anh Bùi Văn Truyền (SN 1978), thôn Trung, xã Tân Thanh (Lạng Giang) cho biết: “Hơn 10 năm nuôi lợn rừng, tôi đã thuần thục kỹ thuật. Lợn rừng tuy không khó nuôi song phải chú ý bảo đảm chế độ thức ăn phù hợp thì thịt mới thơm ngon, săn chắc. Lợn rừng từ 2 đến 3 năm tuổi đang bán rất chạy. Dự kiến, Tết này, tôi thu về hơn 50 triệu đồng”.
Là người đầu tiên đưa ngựa bạch về nuôi ở xã Bích Sơn (Việt Yên), đến nay, trang trại của anh Nguyễn Sỹ Kiên (SN 1981), thôn Tăng Quang (Bích Sơn) luôn duy trì từ 8-10 con. Ngay từ đầu năm, anh Kiên đã tìm đến một số địa phương của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên tìm mua những con ngựa tốt về chăn thả.
Mô hình nuôi ngựa bạch ở xã Việt Tiến, huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang).
Theo chủ trang trại, vào dịp áp Tết có nhiều hộ chung nhau "đụng" ngựa ăn tất niên. Phần thịt ngon, không có gân dùng để làm giò, còn lại để nấu thắng cố hoặc trữ trong tủ lạnh ăn dần, xương nấu cao.
“Tết vừa rồi, tôi chỉ chuẩn bị 4 con ngựa. Đến ngày 28 tháng Chạp đã bán hết hàng trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn. Rút kinh nghiệm, dịp này tôi có sẵn 8 con ngựa trong chuồng, một nửa đã có khách đặt trước. Số còn lại sẽ thịt bán từ 23 tháng Chạp”, anh Kiên nói.
Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, ngoài những yếu tố như nắm bắt thông tin thị trường, tìm đầu mối tiêu thụ các loại con đặc sản, các cơ quan chức năng trong tỉnh khuyến cáo bà con nông dân đặc biệt quan tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh.
Ông Lê Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Dịp này, thời tiết diễn biến thất thường, rét đậm, rét hại kết hợp mưa ẩm là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, gây hại cho vật nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng, duy trì nhiệt độ chuồng ổn định. Ngoài ra, cần lưu ý các biện pháp chống rét, chú ý khẩu phần ăn phù hợp để vật nuôi đủ sức đề kháng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt cũng như có cách phòng bệnh bằng dân gian, bảo đảm vật nuôi luôn khỏe mạnh”.