Người lao động ngừng việc do Covid-19 có được đóng bảo hiểm?
Về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 nêu rõ:
4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, nếu nghỉ làm và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên, người lao động sẽ không được đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với trường hợp phải ngừng việc do Covid-19, người lao động mặc dù phải nghỉ làm nhưng vẫn được hưởng lương nếu thuộc các trường hợp quy định tại mục 2 Công văn 264/QHLĐTL-TL của Cục quan hệ và tiền lương thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
(1) Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
(2) Người lao động phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
(3) Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
(4) Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.
Tiền lương được trả cho người lao động trong trường hợp này được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 99 của Bộ luật Lao động 2019. Số tiền này sẽ do các bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo:
- Ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: Tiền lương ngừng việc không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Ngừng việc trên 14 ngày làm việc: Tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng I.
- Mức 3.920.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng II.
- Mức 3.430.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng III.
- Mức 3.070.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng IV.
Do vậy, trường hợp này dù nghỉ làm nhưng người lao động vẫn được trả lương khi ngừng việc. Nếu ngừng việc dài ngày do Covid-19 mà thuộc các trường hợp được trả lương thì người lao động vẫn được đóng bảo hiểm xã hội.
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian ngừng việc
Khi ngừng việc do Covid-19, người lao động vẫn có thể được đóng bảo hiểm xã hội. Song, mức lương đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian ngừng việc sẽ có sự điều chỉnh. Cụ thể, khoản 8 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:
8. Người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và đơn vị thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Như vậy, trong thời gian ngừng việc, mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ được tính trên cơ sở tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc, chứ không phải tiền lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội trên tiền lương được trả trong thời gian ngừng việc theo tỷ lệ như sau:
(*) Trường hợp doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị được đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn và có quyết định chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì chỉ phải đóng 0,3%.
Tuy nhiên nếu gặp khó khăn do Covid-19, doanh nghiệp có thể được miễn đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất, nhưng sau đó phải đóng bù theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP .