Giá chỉ bằng 1 nửa ở nước ngoài
Với quảng cáo tranh thủ lúc “sale sâu”, một lọ glucosamine cho bệnh nhân xương khớp mua từ Mỹ chỉ có giá 250 nghìn đồng/lọ 120 viên trong khi đó giá bán của các công ty nhập khẩu hiện đang bán ở Việt Nam với giá 680 nghìn đồng/lọ. Người bán cho rằng vì họ canh sale nên mua được giá rẻ chỉ vài đô la và phí gửi về Việt Nam nữa mới tới 250 nghìn đồng/lọ.
Không riêng gì thực phẩm chức năng của Mỹ mà rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng từ Nhật Bản, Pháp, Đức, Úc… đều được rao bán với những cái tên mỹ miều có người quen ở đó mua, người thân làm trong ngành hàng không hoặc là nhân chuyến công tác…
Trong khi đó, theo anh Đỗ Văn Hà đang học tiến sĩ tại Pháp để mua một lọ thực phẩm chức năng ở Pháp không dễ như người ta có thể mua cả chục hộp, trăm hộp. Việc bán thực phẩm chức năng với giá rẻ hơn cả bên Pháp anh Hà cho rằng rất khó có thể bán được và anh cũng không lý giải được vì sao thực phẩm chức năng xách tay từ Pháp về giá rẻ hơn cả bán tại Pháp.
PGS Tạ Văn Bình – BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm của ông trong những chuyến đi công tác tại nước ngoài. Nếu sản phẩm thực phẩm chức năng của Mỹ, ông Bình cho rằng rất khó có thể mua với số lượng lớn. Ở Mỹ người ta quản lý thực phẩm chức năng rất chặt và được sự kiểm soát của cơ quan thực phẩm và thuốc ở Mỹ gọi tắt là FDA. Những sản phẩm được FDA công nhận rất đắt và không thể mua với số lượng lớn.
Những người Việt Nam có thể mua được số lượng lớn đó là những sản phẩm trôi nổi không được FDA quản lý nên giá rẻ và mua với số lượng lớn được. Còn như PGS Bình ông muốn mua sản phẩm gì thì một lần ông chỉ mua được 3 sản phẩm và giá đắt đỏ. Một lọ vitamine tổng hợp bên Mỹ có giá 50 USD về Việt Nam ông giật mình khi người ta bán chỉ có 700 -800 nghìn đồng tiền Việt.
Đánh vào tâm lý “sính ngoại” của nhiều người tiêu dùng thích sử dụng thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay những người buôn bán nhỏ lẻ đã rao bán hàng trên mạng hoặc mở cửa hàng bán sản phẩm ngoại. Các sản phẩm này hầu như bỏ dở việc kiểm soát chất lượng và người tiêu dùng mua sử dụng theo kiểu “tin vào quảng cáo”.
Hàng xách tay không được quản lý
Ông Vũ Thiện Vương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương Hiệu Việt Nam cho biết người tiêu dùng cần có kiến thức để phân biệt thực phẩm chức năng chính hãng và hàng giả, hàng nhái. Cách phân biệt phổ biến nhất là qua mã vạch. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần quét mã UPC của thực phẩm chức năng các thông tin của sản phẩm sẽ hiện ra rõ ràng; Màu sắc hình ảnh trên bao bì. Sản phẩm chính hãng sẽ có tem chống hàng giả. Nếu là hàng chính hãng nhập khẩu có tem phụ ghi rõ đơn vị nhập khẩu và tem chống hàng giả do Bộ Công An cấp.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hàng xách tay, theo luật chỉ được dùng cá nhân, không được bán. Theo quy định của pháp luật các loại thực phẩm nhập khẩu vào nước ta cần phải công bố thông tin với cơ quan quản lý, và phải có thương nhân đứng ra chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và sự giám sát của cơ quan chuyên môn.
Thực tế, có rất nhiều các tài khoản trên mạng rao bán thực phẩm xách tay từ nước ngoài về mà không công bố thông tin với cơ quan quản lý là vi phạm pháp luật. Mọi người thường quảng cáo là hàng xách tay bởi số lượng ít khi nhập qua cửa hải quan thì không bị kiểm tra, trích xuất hóa đơn, thuế vì sản phẩm dùng cho cá nhân. Nhiều người đã lợi dụng điều này để mua bán hàng và họ đang lách luật. Các sản phẩm này có chung đặc điểm không thể kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc.
Các quy định quản lý về thực phẩm chức năng khá chặt chẽ nhưng thực tiễn vẫn có nhiều cơ sở, nhiều cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cố tình gian dối trong sản xuất, tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Vì vậy, ông Phong khuyến cáo người mua hàng nên cẩn trọng kẻo tiền mất tật mang.