Thất thu lãi cho vay nhưng lợi nhuận vẫn tăng khủng
Kết thúc quý I/2018, nhiều ngân hàng đã báo lãi đậm và tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, có những ngân hàng có tổng dư nợ giảm nhưng lãi thuần vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2017, đẩy lợi nhuận cả quý tăng mạnh.
Cụ thể, trong quý I/2018, ngân hàng TMCP An Bình ( ABBank ) thất thu đối với khoảng 2.246 tỷ đồng do tăng trưởng tín dụng âm tới 4,7% so với cùng kỳ 2017, dư nợ dừng ở mức 45.656 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 3,7 lần lên mức 384 tỷ đồng.
Nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của ABBank vẫn từ thu nhập lãi thuần, đạt 550 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư đạt 252 tỷ đồng đóng góp vào lợi nhuận quý này.
Cho vay giảm nhưng tại ngày 31/3/2018, ABBank có tỷ lệ nợ xấu tăng lên 3,02% so với mức 2,77% hồi đầu năm. Trong 1.378 tỷ đồng nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới 73%.
Trong quý I/2018, tổng tài sản của ABBank cũng bị giảm 12,3% về mức 74.124 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tiền gửi của khách hàng cũng giảm 7% so với đầu năm, xuống còn 53.845 tỷ đồng. So với kế hoạch năm thì các chỉ tiêu về tổng tài sản, tăng trưởng dư nợ, tăng trưởng huy động vẫn còn nằm cách rất xa so với kế hoạch đề ra.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý I/2018 các NHTM.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalbank) cũng giảm cho vay khách hàng 1,4% xuống còn 24.700 tỷ đồng, song lãi thuần vẫn tăng gần 66% lên mức 194 tỷ đồng.
Lãi thuần tăng mạnh, đóng góp 80% vào tổng thu nhập giúp lợi nhuận trước thuế tăng 20 lần lên 87 tỷ đồng so với con số 4 tỷ đồng cùng kỳ 2017.
Đáng lưu ý, ngay trong quý I/2018 VietCapitalbank đã vượt 7 tỷ đồng so với chỉ tiêu lợi nhuận cả năm là 80 tỷ đồng.
VietCapitalbank cũng đang có tỷ trọng cho vay/tiền gửi rất cao, lên tới 94% (vượt so với quy định là 80%). Tổng tài sản giảm 7,3% về mức 37.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2018.
Đối với ngân hàng TMCP Việt Á ( VietABank ), quý I/2018 tăng trưởng tín dụng âm gần 2,6%, dư nợ cho vay giảm còn 33.339 tỷ đồng, nhưng con số lãi thuần vẫn tăng 10,6% và đạt 272 tỷ đồng.
Các mảng kinh doanh khác của VietABank trong quý I/2018 không đóng góp nhiều, nhưng lợi nhuận trước thuế quý I vẫn tăng 2,8 lần và ở mức 73 tỷ đồng, so với 19 tỷ đồng cùng kỳ 2017.
VietABank cũng vượt tỷ trọng cho vay/tiền gửi lên tới 98% so với quy định 80% khi tiền gửi của khách hàng cũng giảm 1,72% so với đầu năm. Tổng tài sản cũng giảm nhẹ 5,8% về mức 60.677 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu lại tăng lên mức 2,72%, cao hơn mức 2,68% hồi đầu năm. Trong khoảng 905 tỷ đồng nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới 96%.
Nổi lên trong quý I/2018, ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu ( Eximbank ) cũng cho vay ra giảm 0,7% khiến thu nhập lãi thuần chỉ đạt 667 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 687 tỷ đồng cùng kỳ 2017.
Dù vậy, tổng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 2,3 lần lên 560 tỷ đồng so với cùng kỳ 2017. Nguyên nhân là Eximbank đã hạch toán tới 521 tỷ đồng lợi nhuận từ việc thoái vốn khỏi Sacombank. Theo đó, lợi nhuận thực chất từ hoạt động kinh doanh quý I/2018 chỉ vỏn vẹn 40 tỷ đồng.
Một trường hợp khác có hiện tượng "đi ngược" tương tự là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank). Ngân hàng này cũng thất thu đối với 378 tỷ đồng trong quý I/2018 do tín dụng giảm 2,7%, dừng ở con số tuyệt đối 13.727 tỷ đồng, lãi thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ 2017 và đạt 158 tỷ đồng.
Theo số liệu trên báo cáo tài chính của Saigonbank thì lợi nhuận trước thuế quý I/2018 giảm 5%, đạt 115 tỷ đồng so với con số 121 tỷ đồng cùng kỳ 2017.
Nợ xấu của ngân hàng này rất cao gần 4%, tăng mạnh so với 2,96% đầu năm nay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 361 tỷ đồng, chiếm 66% tổng nợ xấu.
Saigonbank cũng bị giảm tổng tài sản 1,9% về mức 20.918 tỷ đồng so với đầu năm 2018.
Chi phí trả lãi là bao nhiêu?
Với những ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm nhưng thu nhập lãi thuần lại tăng mạnh so với cùng kỳ cho thấy chi phí trả lãi phải giảm.
Cụ thể, trong quý I/2018, VietCapitalbank và VietABank có tỷ trọng chi phí lãi/thu nhập lãi bằng nhau ở mức 73%, đều giảm so với mức tương ứng 79% và 75% cùng kỳ 2017 .
ABBank cũng giảm lãi khi tỷ trọng này còn 59% so với 60% cùng kỳ 2017.
Tỷ trọng chi phí lãi/thu nhập lãi giảm đồng nghĩa với lãi thuần tăng. Tương ứng, lãi thuần của VietCapitalbank tăng tới 66%, VietABank tăng 10,6% và ABBank tăng 8,7% so với quý I/2017.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý I/2018 các NHTM.
Tuy nhiên, Eximbank và Saigonbank đã phải tốn tiền trả lãi khi tỷ trọng chi phí lãi/thu nhập lãi quý I/2018 đều tăng lên tương ứng là 71% và 58% so với mức 67% và 56% của quý I/2017.
Điều này cũng tương ứng với lãi thuần của cả Eximbank và Saigonbank trong quý I/2018 giảm nhẹ so với quý I/2017.
Tỷ trọng chi phí lãi/thu nhập lãi của những ngân hàng có tín dụng tăng trưởng âm vẫn còn cao khoảng 60%-70%, so với những ngân hàng lớn có tỷ trọng này khá thấp chỉ quanh mức 40%-50%.
Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính hợp nhất của các NHTM, tỷ trọng này ở VPBank là 38%, Vietinbank là 58%, Techcombank là 49%, Vietcombank là 51%, VIB là 53%, MBB là 41%, HDBank là 53%... Tỷ trọng này thấp cộng với quy mô lớn giúp cho lợi nhuận của những ngân hàng lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều bất ngờ tại những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng âm trong quý I/2018 là tăng trưởng lợi nhuận vẫn khủng so với cùng kỳ 2017, trong khi nguồn thu từ tín dụng của những ngân hàng này vẫn là chủ yếu.